Multimedia Đọc Báo in

Không nên chủ quan với bệnh ngoài da

08:06, 26/11/2013
Da là vùng rất nhạy cảm, dễ chịu tác động của các yếu tố môi trường. Do đó, khi có các dấu hiệu về bệnh liên quan đến da, mọi người không nên chủ quan hay xấu hổ mà hãy đến các cơ sở chuyên khoa khám, tư vấn để có các phương pháp điều trị kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.

Da là một cơ quan có cấu trúc tinh vi gồm nhiều lớp, nhiều loại tế bào có nhiệm vụ khác nhau, với một mạng lưới thần kinh, mạch máu, bạch huyết dày đặc gắn liền da với toàn bộ cơ thể bên trong. Da đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng như bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân độc hại (chấn thương, hóa chất, tia xạ, vi sinh vật gây bệnh)…, cảm giác, điều hòa, chuyển hóa, miễn dịch…

Bệnh ngoài da hầu như xảy ra quanh năm, đặc biệt là vào mùa nắng nóng; mùa đông nhiệt độ thấp, độ ẩm thay đổi kèm theo mưa gió thất thường cũng là điều kiện thuận lợi làm phát triển các bệnh ngoài da như nứt môi, khô da mặt, nổi mề đay, nứt gót chân, vảy cá... Hay vào mùa mưa, nước có thể ngập úng một số nơi, bà con nông dân, công nhân vệ sinh, người nội trợ, người giúp việc,... thường xuyên phải tiếp xúc với nước, nhất là ngâm chân lâu trong nước bẩn, điều kiện vệ sinh kém dễ mắc một số bệnh ngoài da như nấm, ghẻ, viêm da, nhiễm ký sinh trùng trên da. Bệnh viêm da mủ, viêm nang lông, bệnh viêm kẽ do vi khuẩn, bệnh tiêu sừng lõm lòng bàn chân, bệnh da do ký sinh trùng,... nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ có biến chứng nhiễm khuẩn thành những mụn mủ eczema hóa rất khó chữa trị và lây lan ra cộng đồng rất nhanh. Khi cơ thể yếu, sức đề kháng kém, lao động nặng nhọc, ra mồ hôi nhiều, da bị xước do gãi thì tụ cầu, liên cầu sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, gây hoại tử lỗ chân lông, tạo ra mụn nhọt. Một số loại mụn nhọt thường gặp như: đinh râu, hậu bối (bệnh than ngoài da), nhọt vùng hậu môn, chốc lở…

Bệnh ngoài da phần nhiều là bệnh lành tính, nhưng khi mắc bệnh làm cho người bệnh có cảm giác khó chịu, thiếu tự tin khi xuất hiện nơi đông người. Việc phòng bệnh cho da nói chung là cần vệ sinh da sạch sẽ hằng ngày như tắm, gội. Mỗi lứa tuổi cũng có các biện pháp vệ sinh da khác nhau. Không mặc quần áo chung, không dùng khăn chung. Khi tiếp xúc với môi trường có nhiều chất độc hại phải đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ lao động. Hạn chế tiếp xúc đồ vật hoặc tránh ăn những thức ăn mà cơ địa bị dị ứng. Môi trường sống cần trong sạch, ít bụi. Cần thường xuyên rèn luyện thân thể, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng. Không gãi và nặn mụn nhọt, nhất là đinh râu, vì nặn làm tổn thương tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào máu.

Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường về da, hoặc nghi ngờ bị bệnh về da nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để phát hiện sớm, điều trị đúng; không tự ý dùng thuốc vì có thể gây tai biến, tiền mất tật mang.

Liên Chi   


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.