Multimedia Đọc Báo in

Chứng táo bón ở trẻ em và cách phòng ngừa

08:29, 18/12/2013
Khi nói đến bệnh lý về tiêu hóa, mọi người thường nghĩ đến tiêu chảy, nhưng trên thực tế, táo bón cũng rất thường gặp ở trẻ và hay bị bỏ qua vì cho rằng bệnh không ảnh hưởng nhiều lắm tới sức khỏe. Tuy nhiên, táo bón có thể gây ra những hậu quả khó lường, mà điển hình là trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, thậm chí suy dinh dưỡng.

Nếu trẻ đi tiêu ít hơn 3 lần trong một tuần có thể xem là bị táo bón. Phân của trẻ táo bón thường cứng, thành viên hoặc đóng khối. Tuy nhiên, cần lưu ý số lần tiêu phân của trẻ bình thường sẽ thay đổi theo lứa tuổi và theo chế độ ăn. Trung bình trẻ bú mẹ nhỏ hơn 3 tháng tuổi đi tiêu 3 lần/ngày nhưng cũng có thể đi tiêu hơn 10 lần/ngày hoặc hơn một tuần mới đi tiêu một lần mà vẫn không gọi là táo bón nếu phân vẫn mềm và trẻ vẫn bú, ngủ tốt. Với trẻ bú bình, số lần tiêu mỗi ngày trung bình từ lúc sinh đến 3 tháng là 2 lần, từ tháng thứ sáu trở đi là 1,8 lần; từ một tuổi giảm còn 1,4 lần và khi trẻ được 3 tuổi thì chỉ còn 1 lần.

Tại sao trẻ lại dễ bị táo bón? Nguyên nhân có thể là do bệnh lý hoặc chức năng.

Táo bón do bệnh lý không tự hết, hay kèm theo các biểu hiện bất thường khác và trẻ thường bị suy dinh dưỡng. Có rất nhiều nguyên nhân như: ruột già quá to, hẹp hậu môn, rối loạn vận động ruột do bất thường thần kinh, bệnh nội tiết chuyển hóa, bệnh thần kinh, cơ… Đối với nhóm nguyên nhân này, cần phải điều trị bệnh gốc mới hết táo bón.

Táo bón do nguyên nhân chức năng rất thường gặp. Gọi là chức năng vì trẻ không có bất kỳ bệnh lý gì khác ngoại trừ táo bón. Các yếu tố làm trẻ dễ bị táo bón là: chế độ ăn không cân bằng, thiếu chất xơ; vừa đổi chế độ ăn (sữa mẹ chuyển sang sữa bò, thức ăn mềm sang thức ăn cứng); do trẻ uống không đủ nước; trẻ tự nín khi có cảm giác đại tiện vì sợ đau, do ham chơi, sợ chỗ lạ; đôi khi sau một stress như: bệnh tật, đổi chỗ ở, chuyển trường, chuyển lớp, trẻ cũng bị táo bón.

Táo bón có thể gây tác hại “tại chỗ” là làm bé đau do nứt hậu môn, nặng hơn thì làm bé bị chảy máu khi đi tiêu. Bé nhịn đi tiêu làm phân càng ở lâu trong cơ thể, càng lớn và khô cứng hơn, khiến bé phải gắng sức hơn trong những lần sau lại dễ làm rách hậu môn gây đau và chảy máu. Ngoài ra, phân ứ đọng lâu ngày còn có tác hại làm bé biếng ăn, chậm tăng cân, thậm chí suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến các hoạt động vui chơi của trẻ.

Táo bón rất dễ gặp ở trẻ nhỏ vào 3 thời điểm:

- Giai đoạn tập ăn dặm: bé đang từ bú mẹ hoặc bú bình chuyển sang ăn đặc có thể bị táo bón do ăn không đủ chất xơ và uống không đủ nước.

- Tập ngồi bô hay bồn cầu: bé có nguy cơ bị táo bón trong giai đoạn này vì nhiều nguyên nhân:

*Chế độ ăn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sữa nên dễ bị thiếu chất xơ.

*Nếu bé không thích hoặc không sẵn sàng để ngồi vào “chỗ mới”, chúng có thể cố gắng nín nhịn, điều này có thể dẫn đến táo bón.

*Bé đã bị đi phân cứng hoặc đau khi đi tiêu hay nín hơn để khỏi phải ngồi bô, bồn cầu.

    - Giai đoạn đi học: một số bé miễn cưỡng phải dùng nhà vệ sinh tại trường vì chúng không quen hoặc quá “công cộng”, điều này có thể dẫn đến việc nín đi tiêu.

Tùy theo từng nguyên nhân mà điều trị chứng táo bón nhưng điều chỉnh lại chế độ ăn vẫn là bước cần được quan tâm trước nhất. Vì vậy, để phòng tránh chứng táo bón cho trẻ các bậc cha mẹ cần chú ý:

- Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước ép cam, mận, táo, lê nguyên chất vì nó có thể làm mềm phân

- Ăn nhiều rau xanh và quả chín: Chọn các loại rau quả có tính chất nhuận tràng: rau khoai lang, mồng tơi, bông cải, củ khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi. Nên tập cho trẻ thói quen ăn nhiều rau, quả chín từ nhỏ.

- Chọn loại sữa không gây táo bón: Có bổ sung thêm chất xơ, pha sữa với nước cháo loãng hoặc nước bột khoai lang nghiền.

- Trẻ lớn: Không nên ăn các loại hoa quả có vị chát: ổi, hồng xiêm, bánh kẹo, nước uống có gas, cà phê...

- Cho trẻ uống thuốc nhuận tràng, vitamin C, men vi sinh nhằm bổ sung vi khuẩn có lợi, lập lại cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng giúp phòng tránh được những rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ như: táo bón, tiêu chảy, phân sống, khó tiêu...

Nếu tình trạng táo bón ở trẻ không được cải thiện và có dấu hiệu ngày càng nặng thì nên cho trẻ tới cơ sở y tế để được khám và chữa trị kịp thời.

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.