3 loại thực phẩm làm gia tăng bệnh trầm cảm
Kinh tế phát triển, con người cho ra đời nhiều thực phẩm mới lạ, ngon mắt, ngon miệng nên dễ bị lạm dụng và một khi dùng lâu dài có thể gây bất ổn cho cơ thể, gia tăng nhiều loại bệnh nan y, như béo phì, tim mạch, tiểu đường. Ba loại thực phẩm, đồ uống dưới đây được xem là thủ phạm làm tăng bệnh trầm cảm ở con người.
1. Thực phẩm ăn nhanh
Thực phẩm ăn nhanh hay thức ăn nhanh (tiếng Anh là fast food, thuật ngữ đã được công nhận trong từ điển tiếng Anh Merriam - Webster năm 1951), dùng để chỉ thức ăn được chế biến và phục vụ cho nhóm người bận rộn, ít có thời gian nấu nướng. Thuật ngữ này thường được dùng để nói đến thực phẩm được bán tại một nhà hàng hoặc cửa hàng với các thành phần làm nóng trước hoặc được nấu sẵn, và phục vụ cho khách hàng trong một hình thức đóng gói mang đi. Theo nghiên cứu, lợi thế của loại đồ ăn này là tiết kiệm thời gian, hợp với khẩu vị của một số người, nhưng lạm dụng lâu dài có thể gây nghiện, mất cân bằng dinh dưỡng, và gia tăng bệnh trầm cảm tới 51% so với những người không ăn nhóm thực phẩm nói trên. Kết luận trên được rút ra từ nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Public Health Nutrrtion.
2. Ngũ cốc tinh chế
Ngũ cốc tinh chế là loại ngũ cốc thành phẩm đã được chiết tách, sản xuất qua quá trình tinh luyện, xử lý, khác với ngũ cốc nguyên cám. Quá trình tinh chế thường liên quan đến việc loại bỏ cám và mầm như trộn, tẩy trắng và bổ sung thêm các vi chất, dưỡng chất trở lại trong dinh dưỡng làm phong phú thêm sản phẩm. Do các chất dinh dưỡng bổ sung chỉ đại diện cho một phần nhỏ của các chất dinh dưỡng được loại bỏ, nên ngũ cốc tinh chế được coi là có hàm lượng dinh dưỡng kém hơn so với ngũ cốc nguyên cám, nhất là những hợp phần có lợi cho sức khỏe .
Đứng trên góc độ dinh dưỡng, ăn ngũ cốc nguyên cám, giảm ngũ cốc tinh chế sẽ có lợi cho sức khỏe, nhất là bệnh tim mạch. Ngược lại nếu ăn nhiều ngũ cốc tinh chế, nhiều đường như các loại bánh rán, bột mì trắng... có thể làm gia tăng bệnh ung thư tuyến tụy và các loại bệnh mãn tính. Bằng chứng, từ khi công nghệ xay xát ngũ cốc và tinh chế hạt ra đời thì tỷ lệ mắc các loại bệnh mãn tính của con người tăng vọt. Ngũ cốc tinh chế thường có chỉ số đường huyết cao (GI) nên tác động đáng kể đến lượng đường trong máu, gia tăng bệnh tiểu đường.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Brain, Behavior and Immunity số tháng 10-2013, nhóm ngũ cốc tinh chế là loại thực phẩm giàu chất gây viêm nhiễm và làm tăng bệnh trầm cảm, đặc biệt là ở phụ nữ tới trên 50% so với nhóm không ăn loại thực phẩm này. Kết luận trên được dựa vào nghiên cứu ở trên 40.000 phụ nữ tại Mỹ.
Theo khuyến cáo của giới dinh dưỡng, để giảm bệnh, mọi người nên thay ngũ cốc tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt (thô, nguyên chất hay toàn phần), vừa rẻ tiền, cung cấp nhiều chất xơ, lại giàu chất dinh dưỡng và ngon miệng.
3. Đồ uống có gas
Đồ uống có gas hay nước giải khát có gas (còn gọi là nước ngọt có gas) là đồ uống có chứa nước cácbon điôxít bão hòa, chất làm ngọt và hương liệu. Chất làm ngọt có thể là đường, xirô bắp có hàm lượng đường fructose cao, nước ép trái cây, chất làm ngọt thay thế thường hoặc các kết hợp của các loại trên. Ngoài ra còn có lượng cồn nhỏ, nồng độ cồn thường dưới 0,5% tổng thể tích. Nước giải khát có gas thường dùng khi ướp lạnh hoặc tại nhiệt độ phòng rất hiếm khi uống nóng
Theo nghiên cứu trên tạp chí Brain, Behavior and Immunity thì những phụ nữ có thói quen dùng đồ uống có gas trong khẩu phần ăn hằng ngày là nhóm mắc bệnh trầm cảm cao. Ngay cả việc uống ít cũng có thể làm tăng trầm cảm bởi chúng có chứa nhiều hóa chất gây bất lợi, đặc biệt là chất tạo hương và tạo màu sắc cho loại đồ uống này. Nếu kết hợp với thực đơn có hai thành phần nói trên như thức ăn nhanh, ngũ cốc chế biến quá kỹ sẽ đẩy nhanh quá trình mắc bệnh. Vì vậy nên thay bằng nhóm thực phẩm tươi sống, nguyên chất sẽ có tác dụng tích cực hơn. Ngoài ăn uống, nên thay đổi lối sống, tăng cường vận động, luyện tập sẽ có lợi lâu dài cho sức khỏe, nhất là sau khi mãn kinh ở phụ nữ.
Khắc Nam
(Theo LV-12-2013)
Ý kiến bạn đọc