Cảnh báo cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập vào nước ta
Hiện nay, Trung Quốc đã có 51 trường hợp tử vong do cúm A/H7N9, đồng thời số mắc có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam gần biên giới với Việt Nam và có nguy cơ lớn xâm nhập vào Việt Nam.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp, dịch có xu hướng tăng trở lại. Đặc biệt, dịch xuất hiện ở một số tỉnh gần với Việt Nam, cụ thể là tỉnh Quảng Đông- địa bàn có số người Việt Nam đi du lịch, giao lưu thương mại và trao đổi hàng hóa lớn. Trong khi đó, vi rút cúm A/H7N9 lưu hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên khó khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm. Đặc biệt, thời điểm hiện nay đang là mùa Đông- Xuân, thuận lợi cho sự phát triển và lan rộng của vi rút cúm A/H7N9.
Theo các chuyên gia, nếu cúm A/ H5N1 có thể “khoanh vùng” với các trường hợp tiếp xúc với gia cầm ốm chết thì cúm A/H7N9 lại không thể làm như vậy bởi dấu hiệu bệnh trên gia cầm không rõ ràng. Thậm chí 40% số người mắc bệnh nhưng không hề tiếp xúc với gia cầm. Cộng đồng chưa có miễn dịch, chưa có vắc xin phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi tiếp xúc với mầm bệnh, người ta dễ bị nhiễm bệnh và khó khăn trong điều trị.
Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình dịch trên thế giới và các biện pháp phòng chống. Đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, bệnh nhân viêm phổi tại các cơ sở y tế và cộng đồng. Khi có nghi ngờ, cần lấy mẫu bệnh phẩm gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ xét nghiệm, chẩn đoán. Tổ chức các đoàn đi kiểm tra và tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các ca bệnh, chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch vào Việt Nam; sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định.
K.O (nguồn SK&ĐS)
Ý kiến bạn đọc