Multimedia Đọc Báo in

Giao thừa ở bệnh viện

09:52, 30/01/2014

Đêm giao thừa, khi mọi người rộn ràng trong không khí đầm ấm của gia đình đón thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thì tại bệnh viện, các y, bác sĩ lại bận rộn với những ca cấp cứu, những sản phụ chuyển dạ chờ sinh và những người bệnh đang nằm điều trị tại các khoa, phòng… Tất bật chạy đua cùng thời gian để mang lại niềm vui cho người bệnh, những người khoác áo blouse chẳng hay biết năm cũ đã trôi qua từ lúc nào.

Giao thừa vẫn chạy đua với... thời gian

Bác sĩ Hoàng Thị Minh Hường luôn cảm thấy hạnh phúc khi mỗi em bé chào đời đều khỏe mạnh.
Bác sĩ Hoàng Thị Minh Hường luôn cảm thấy hạnh phúc khi mỗi em bé chào đời đều khỏe mạnh.

Tiếng còi xe cấp cứu hú inh ỏi như xé tan màn đêm rồi phanh gấp trước cửa khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tiếng bước chân người dồn dập đẩy chiếc băng ca đến cửa xe, nhanh chóng chuyển một thanh niên bị tai nạn giao thông vào phòng cấp cứu. Với thao tác nhanh gọn, các y bác sĩ tiến hành sơ cứu ban đầu xác định tình trạng vết thương rồi mới chỉ định cho bệnh nhân đi làm thủ tục cần thiết. Chưa kịp nghỉ “giải lao” thì phía bên ngoài lại vang lên tiếng la khóc xen lẫn tiếng rên đau đớn, thêm một bệnh nhân bị tai nạn giao thông được chuyển vào. Trong ánh điện sáng trưng của phòng cấp cứu, các y bác sĩ cẩn trọng từng bước để cấp cứu bệnh nhân, phía bên ngoài những ô cửa kính trong suốt mọi ánh mắt đều hồi hộp dõi theo. Không khí căng thẳng bao trùm, chẳng ai để tâm đến chiếc kim đồng hồ đang nhích dần về 0 giờ, báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sắp đến gần. Rồi cảm xúc chợt vỡ òa, những tiếng thở phào nhẹ nhõm, những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má những người thân khi được bác sĩ thông báo bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Với những gia đình người bệnh, khoảnh khắc ấy khó có thể quên, bởi chỉ trong gang tấc các y bác sĩ đã giành giật sự sống cho người thân của họ từ bàn tay “tử thần”. Còn với các y bác sĩ thì mỗi ca bệnh được cứu chữa thành công trong thời điểm này luôn là món quà Xuân ý nghĩa họ dành tặng cho gia đình người bệnh và đó cũng là sự khởi đầu đầy may mắn trong năm mới. Bác sĩ Ngô Văn Tiến, Trưởng khoa Cấp cứu chia sẻ: “Tết năm nào cũng vậy, liên tục có bệnh nhân vào viện cấp cứu do say rượu đánh nhau, tai nạn giao thông, ngộ độc thức ăn... Giao thừa, kíp trực phải thức trắng đêm để xử lý bệnh là chuyện rất đỗi thường tình. Bản thân tôi là lãnh đạo khoa, tuy không phải trực nhưng Giao thừa năm nào tôi cũng có mặt tại khoa vừa để động viên tinh thần anh em, vừa tham gia giải quyết các ca bệnh khó. Chẳng hạn như, Giao thừa Xuân Quý Tỵ năm qua, bệnh nhân đông, tôi tham gia cùng y bác sĩ trong khoa xử lý suốt đêm, đến 4 giờ sáng anh em chúng tôi mới có chút thời gian để nghỉ ngơi”. 

Bác sĩ Đào Anh Dũng kiểm tra sức khỏe cho người bệnh sau phẫu thuật.
Bác sĩ Đào Anh Dũng kiểm tra sức khỏe cho người bệnh sau phẫu thuật.

Có lẽ, từ lâu trực Tết đã trở thành công việc quen thuộc đối với các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bởi, theo bác sĩ Đào Anh Dũng, Phó trưởng  khoa Ngoại tổng hợp: “Nghề y của chúng tôi là vậy mà, liên tiếp những ca trực từ ngày đến đêm”. Chính vì vậy, với anh và tất cả các y bác sĩ trong khoa, trực Tết cũng nhẹ nhàng như ca trực của những ngày không phải Tết, có điều bận rộn hơn, hiếm hoi những giây phút nghỉ ngơi hơn. Lục lại ký ức về những ca bệnh nặng phải mổ cấp cứu trong dịp Tết, bác sĩ Dũng kể: “Gần đây nhất là trường hợp một bệnh nhân nữ 22 tuổi, bị tai nạn giao thông vào viện trong tình trạng choáng, mạch không, huyết áp không, vết thương gan rất nặng. Khi tiếp nhận bệnh nhân, nhận thấy tình trạng nguy kịch, chẳng kịp làm hồ sơ bệnh án, chúng tôi tiến hành mổ ngay, trong quá trình mổ bệnh nhân phải truyền đến 8 đơn vị máu, khi hồi sức tiếp tục được truyền thêm 6 đơn vị máu tươi từ người thân hiến tặng. Kết thúc ca phẫu thuật cả kíp mổ đều mệt mỏi vì phải tập trung cao độ trong một thời gian dài, nhưng cứu được người bệnh thì tinh thần thấy phấn chấn hơn và dường như cảm giác mệt mỏi cũng tan biến nhanh hơn. Nghề y vốn dĩ là thế, trách nhiệm của y bác sĩ là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nên cần nhất vẫn là có một cái tâm với nghề và tấm lòng với người bệnh”. Là một người có thâm niên trong nghề, bác sĩ Dũng không nhớ nổi mình trực Tết bao nhiêu lần, song các ca bệnh đến với khoa ngoại hầu hết là bệnh nặng, đang chênh vênh giữa ranh giới sự sống và cái chết nên công việc của anh và các y bác sĩ kíp trực là phải chạy đua với thời gian để giành lại sự sống cho người bệnh. Vì lẽ ấy nên dù Giao thừa, Tết hay ngày thường, anh cũng luôn sẵn sàng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao.

“Mong nghe tiếng trẻ khóc chào đời”

Đồng hồ đang đếm lùi từng phút để điểm chuông thời khắc Giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bên ngoài hành lang khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, những sản phụ chờ sinh vẫn đang cố đi lại vận động chờ cơn đau chuyển dạ. Trong phòng sinh, vài sản phụ đang vật vã với cơn đau vượt cạn. Sau mỗi tiếng trẻ khóc vang lên lại kèm theo những tiếng cười của kíp trực sinh. Bên ngoài cánh cửa, nhiều người đang thấp thỏm từng giây, từng phút ngóng tin người thân để rồi được “vỡ òa” niềm hạnh phúc khi đứa trẻ chào đời an toàn. Vào nghề gần 10 năm nay nữ hộ sinh Phan Thị Hường đã quá quen với những ca trực đêm nên dù trực ngày thường hay trực đêm Giao thừa thì với chị đều giống nhau cả. Tuy không được cùng gia đình mình sum vầy chào đón năm mới nhưng chị lại được cùng gia đình sản phụ chia sẻ niềm hạnh phúc khi đón những đứa trẻ chào đời vào thời khắc đặc biệt ấy. Chị tâm sự: “Đêm Giao thừa, tiếng khóc chào đời của trẻ càng to thì chúng tôi càng vui, xua tan những mệt nhọc. Càng làm việc trong đêm Giao thừa thì mình càng phải có trách nhiệm hơn, sao cho không xảy ra điều gì đáng tiếc trong thời điểm đầu năm mới, bởi tâm lý ai cũng muốn “đầu xuôi đuôi lọt”, huống hồ ở khoa chúng tôi là nơi đem lại niềm vui cho các gia đình”. 

Mỗi kíp trực sinh ở khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột có 1 bác sĩ, 2 nữ hộ sinh và 1 hộ lý. Dịp Giao thừa nếu có nhiều sản phụ thì cả kíp trực 4 người lại “vận hành” tất bật, chẳng có thời gian để tận hưởng hương vị của bánh, mứt được bệnh viện chuẩn bị sẵn, thậm chí chẳng thể đáp lại được những tin nhắn chúc mừng của người thân, bạn bè. Bác sĩ Hoàng Thị Minh Hường, Trưởng khoa Phụ sản chia sẻ: “Là phụ nữ mà vắng nhà ngày Tết, đôi lúc chị em chúng tôi cũng thấy chạnh lòng, nhưng rồi cảm giác đó cũng qua rất nhanh bởi sự tất bật của công việc. Chúng tôi chọn ngành Y là phải chấp nhận, trực riết rồi cũng thành quen. Với những người công tác trong lĩnh vực sản khoa như chúng tôi, có lẽ không gì hạnh phúc hơn khi đón năm mới bằng những tiếng khóc chào đời của trẻ thơ”. Quả thực, phải rời xa gia đình trong lúc mái ấm cần đến vai trò của người phụ nữ nhiều nhất là điều chẳng ai mong muốn, nhưng với các chị, những y, bác sĩ, nữ hộ sinh ở khoa sản, đó là trách nhiệm với nghề, với người bệnh. Nữ hộ sinh Phan Thị Hường thổ lộ: “Năm nào mình được phân công trực đêm Giao thừa thì ngay trong buổi chiều phải lo dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị hết mọi thứ để buổi tối ông xã có thể thay mình làm mâm cơm cúng Giao thừa. Còn khi đã bước vào khoa làm nhiệm vụ thì mọi vướng bận gia đình đều phải tạm gác lại để có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, vì công việc của chúng tôi liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng con người nên không được phép sai sót dù là trong suy nghĩ. Sáng mùng Một, kết thúc ca trực, trở về nhà thì đó cũng là thời khắc cả nhà tôi đón Giao thừa. Đón Giao thừa muộn hơn mọi người nhưng tôi vẫn thấy hạnh phúc, bởi bên cạnh luôn có những người thân biết sẻ chia và thấu hiểu công việc của mình…”.

Một mùa Xuân nữa lại về, trong thời khắc Giao thừa, ngoài đường phố từng dòng người nô nức đi xem bắn pháo hoa, lên chùa hái lộc. Còn phía trong cánh cổng bệnh viện, những người khoác trên mình chiếc áo blouse vẫn tất bật với bộn bề công việc. Có thể với họ phút Giao thừa trôi qua trong lặng lẽ, nhưng những việc họ làm cho người bệnh trong khoảnh khắc ấy lại là minh chứng sống động góp phần làm cho niềm vui mùa Xuân thêm trọn vẹn.

KIm Oanh


Ý kiến bạn đọc