Mười lời khuyên trong ăn uống và chế biến thực phẩm tại gia đình
1.Chọn thực phẩm vệ sinh
Những loại thực phẩm như rau, quả chín chỉ có giá trị cao khi ăn ở trạng thái tươi, còn nhiều loại phải được chế biến mới bảo đảm an toàn và kéo dài thời gian sử dụng (ví dụ chỉ mua các loại sữa đã được thanh trùng, tiệt trùng và đóng hộp hoặc đựng trong chai lọ kín). Khi mua các thực phẩm ăn liền nên chọn những loại được đóng gói kín, có nhãn mác rõ ràng và còn hạn sử dụng.
2.Nấu thực phẩm chín kỹ
Nhiều loại thực phẩm như tôm, cá, thịt gia cầm khi chưa nấu chín có thể là nơi ẩn náu của nhiều vi sinh vật và có thể gây bệnh. Nấu chín sẽ bảo đảm tiêu hủy được nguồn gây bệnh. Lưu ý, cần nấu chín cả phần bên trong của thực phẩm nhất là chỗ gần xương. Thịt, cá, đồ đông lạnh cần để tan đá trước khi sơ chế và nấu nướng. Những thực phẩm tươi như rau, quả phải được ngâm, rửa kỹ bằng nước sạch.
3.Ăn thức ăn vừa nấu xong
Thức ăn vừa nấu chín sẽ nguội dần khi ở nhiệt độ thường và khi thức ăn nguội vi khuẩn sẽ xâm nhập và phát triển. Để càng lâu nguy cơ nhiễm khuẩn càng nhiều. Do vậy, chúng ta nên ăn ngay thức ăn sau khi vừa nấu.
4.Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín
Thực phẩm được chế biến trước hoặc các thức ăn dùng chưa hết muốn giữ lại thì cần phải được bảo quản cẩn thận. Thức ăn sau khi nấu chín có thể bảo quản trong vòng 3-4 giờ. Tuy nhiên, thức ăn của trẻ em khi dùng không hết chúng ta nên đổ đi, không nên bảo quản cho trẻ dùng lại. Khi bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, trong chạn, không để thức ăn đã nấu chín với thức ăn sống. Không để thức ăn còn nóng vào tủ lạnh vì phần trong của thức ăn sẽ không lạnh vẫn tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển.
5.Đun kỹ lại thức ăn chưa sử dụng hết
Thức ăn không dùng hết nếu muốn để sang bữa sau phải đun lại ngay. Trước khi ăn phải đun lại một lần nữa cho thật sôi đều. Đây là nguyên tắc tốt nhất để tránh cho vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản thực phẩm.
6. Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín
Thức ăn đã nấu chín cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn dù chỉ chạm nhẹ vào thức ăn sống. Sự nhiễm khuẩn có thể là trực tiếp như để thịt chưa nấu chín với thức ăn đã nấu rồi. Cũng có thể khó thấy như dùng dao, thớt thái thịt sống để thái thịt chín. Dùng chung dụng cụ chế biến thịt chín và sống sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh trên thức ăn đã nấu chín.
7. Rửa tay nhiều lần
Rửa tay kỹ trước khi chế biến và nấu ăn, đặc biệt sau khi thay quần áo hay sau khi đi đại tiểu tiện. Rửa tay sau khi thái, rửa thức ăn sống như thịt, cá, gia cầm trước khi làm thức ăn khác. Nếu tay bị mụn nhọt phải băng lại trước khi tiếp xúc với thực phẩm và nấu nướng. Cần chú ý là những động vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim... thường là nơi chứa mầm bệnh có thể lây truyền từ động vật qua bàn tay vào thức ăn.
8. Giữ bếp thật sạch sẽ
Thực phẩm và thức ăn đều là nơi ẩn náu của vi khuẩn gây bệnh. Mặt khác, thức ăn rất dễ bị nhiễm bẩn nên phải giữ cho dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ. Cần giữ sạch nền nhà, trần tường, tường bếp và bếp. Trước khi dùng tốt nhất nên tráng qua bằng nước sôi các dụng cụ chế biến thức ăn như dao, thớt,...
9. Bảo quản thức ăn chống loài gặm nhấm, ruồi, gián, kiến và các loại động vật khác nhiễm bẩn gây nguy hiểm
Các loại sinh vật trên thường mang nhiều vi khuẩn gây bệnh và là nguyên nhân phát sinh bệnh tật. Cách bảo quản tốt nhất là đậy kín thức ăn bằng cách để trong chạn, tủ… có cửa đậy chắc chắn và kín.
10. Dùng nước sạch
Nước sạch là nước không màu, không mùi, không vị và không chứa mầm bệnh. Nước sạch là một yếu tố quan trọng đối với cơ thể. Hãy sử dụng nước sạch để chế biến thức ăn và nấu thức ăn như nước máy, nước giếng, nước mưa đã qua hệ thống lọc và đun sôi trước khi làm đá uống.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc