Neo giữ khát vọng sống
Những ngày Tết trong khi nhiều người háo hức du Xuân thì những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo lại đón Tết ngay trên giường bệnh. Thế nhưng, họ vẫn hy vọng về sự sống sẽ không bao giờ tắt, bởi có những thầy thuốc luôn tận tâm tiếp thêm cho họ niềm tin và nghị lực…
Niềm tin phía cuối chân trời !
Bé H’Jok được bác sĩ kiểm tra vết mổ sau phẫu thuật. |
Nhập viện điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã gần 1 tháng, lại phải trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ một bên buồng trứng nên bé H’Jok H’Đơk (12 tuổi, trú tại buôn Reng, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) gầy đi nhiều, đôi mắt lõm sâu và lúc nào cũng đượm buồn, bởi đã ngần ấy thời gian em không được đến trường, vui chơi cùng bạn bè. Mỗi lúc được mẹ cho ngồi dậy, cô bé lại dõi mắt về phía cửa sổ phòng bệnh để được nhìn thấy những ánh nắng yếu ớt của mùa đông đang len lỏi vào ô cửa và lắng nghe những âm thanh của cuộc sống bên ngoài. Nhìn gương mặt hốc hác của cô bé, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. “Cháu bị ung thư buồng trứng, đang theo dõi sau phẫu thuật. Bệnh của cháu còn phải trải qua 6 đợt hóa trị nữa, mỗi đợt cách nhau 3-4 tuần”, vừa kiểm tra vết thương cho cô bé, bác sĩ Nguyễn Đăng Giáp, Trưởng khoa Ung bướu vừa cho chúng tôi biết như thế. Trước khi rời gót khỏi giường bệnh, bác sĩ Giáp không quên xoa đầu cô bé động viên: “Hôm nay là ổn rồi, cố gắng lên con gái!”. Ngồi im lặng nơi cuối giường theo dõi từng cử chỉ của con, đến khi nghe chúng tôi hỏi han mẹ H’Jok nghẹn ngào: “Từ nhỏ đến giờ, H’Jok luôn khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Gần đây, thấy cháu hay kêu đau bụng, ăn uống kém nên tôi đưa con đi khám mới phát hiện bị ung thư, tôi chỉ biết khóc thương cho số phận con mình. Thấy con trải qua đau đớn, tôi chỉ muốn mình bị bệnh thay…”. Nhìn gương mặt người mẹ phờ phạc, hốc hác, đôi mắt trũng sâu do nhiều đêm thức trắng cùng con trải qua đau đớn, chúng tôi càng thấu hiểu hơn nỗi lòng của người mẹ có con bị bạo bệnh. Vợ chồng chị được 3 người con gái, H’Jok là con đầu. Nương rẫy ít, mỗi năm thu hoạch chẳng được là bao, mọi chi tiêu của cả gia đình 5 người phụ thuộc phần lớn vào tiền công làm thuê làm mướn của 2 vợ chồng. Từ ngày H’Jok bị bệnh, chị bỏ công việc đưa con đi chữa bệnh, người lao động trong nhà giảm đi, các khoản chi tiêu lại tăng lên nên kinh tế gia đình vốn đã khó khăn nay càng thêm khó. Thế nhưng, động lực để gia đình chị vượt qua khó khăn và cũng là niềm hy vọng của cô con gái đó là thông tin bác sĩ cho biết nếu con chị tuân thủ phác đồ điều trị thì vẫn có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Bác sĩ Huỳnh Thị Như Huệ thăm hỏi người bệnh. |
Nằm cạnh giường H’Jok là bệnh nhân N.Đ.B (60 tuổi, trú tại Nam Thuận, Nam Đà, Krông Nô) bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối đang được chăm sóc tích cực. Nằm trên giường bệnh với ống thở ôxy, dây dịch truyền, ông B. rên từng tiếng khe khẽ, thỉnh thoảng hai hàng lông mày chụm lại, bờ môi mím chặt vào nhau do cơn đau hành hạ. Có lẽ vì đã quá quen với tình cảnh này bà Đức - vợ ông chỉ khẽ thở dài rồi vỗ nhẹ vào bờ vai chồng như thể động viên. Bà kể: “Chồng tôi phát hiện bị ung thư vòm họng cách đây 10 tháng rồi. Sau lần vào khám ở Trung tâm ung bướu TP. Hồ Chí Minh, được bác sĩ cho biết, bệnh đã di căn phải xạ trị, ông ấy hoàn toàn suy sụp, gần như tuyệt vọng. Thấy hoàn cảnh gia đình túng bấn, ông ấy không chịu đi chạy xạ mà ở nhà cắt thuốc nam về uống. Mới đây, khi bệnh tái phát dữ dội, gia đình mới đưa nhập viện. Lúc đầu ổng không chịu, dứt khoát đòi về nhà bằng được, cũng may là các bác sĩ nhiệt tình, thường xuyên thăm hỏi, động viên nên ông ấy cũng lấy lại tinh thần và hợp tác điều trị. Nói là điều trị, nhưng bệnh đã ở giai đoạn muộn, cuộc sống kéo dài được ngày nào hay ngày ấy…”. Nói đến đây, giọng người phụ nữ lạc đi, khiến những ai có mặt lúc ấy không khỏi ngậm ngùi.
Giờ đây, ngày Tết đã cận kề, trong khi mọi người háo hức chuẩn bị những kế hoạch du Xuân thì vợ chồng ông B., mẹ con bé H’Jok và nhiều bệnh nhân ung thư khác lại đón Tết ngay trên giường bệnh. Thế nhưng, họ vẫn nuôi hy vọng về sự sống sẽ không bao giờ tắt, cho dù niềm tin ấy vẫn còn ở phía cuối chân trời.
Nơi tiếp sức hy vọng sống
Mới gắn bó với công việc điều trị cho bệnh nhân ung thư từ ngày khoa Ung bướu thành lập (tháng 8-2012), song đã có không ít lần bác sĩ Nguyễn Đăng Giáp, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh day dứt vì khoa không thể làm tốt hơn cho bệnh nhân mỗi khi có ai đó phải rời xa cuộc sống bởi căn bệnh hiểm nghèo ấy. Chính vì vậy, bác sĩ Giáp luôn quan tâm đến công tác đào tạo nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của khoa để có thể nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh. Qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, đến nay cơ sở hạ tầng của khoa đã được mở rộng với số giường bệnh tăng từ 20 lên 45 giường. Trong lĩnh vực điều trị, hiện nay khoa đã thực hiện được mổ nội soi tuyến giáp, phẫu thuật ung thư buồng trứng, ung thư thân tử cung, ung thư vú và một số loại ung thư khác. Đồng thời, kết hợp nhiều mô thức điều trị: phẫu thuật - hóa trị, qua đó giảm bớt tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên và giúp giảm gánh nặng chi phí cho gia đình người bệnh. Song song với nỗ lực nâng cao chất lượng điều trị, bác sĩ Giáp còn nhắc nhở cán bộ y bác sĩ trong khoa phải luôn tạo cho người bệnh cảm giác an tâm để họ có niềm tin vào quá trình điều trị, bởi theo bác sĩ Giáp: “Bệnh nhân vào khoa đa số đều có tâm lý buông xuôi, vì họ luôn có suy nghĩ đã bị ung thư thì vô phương cứu chữa. Nếu y bác sĩ không tiếp cận, không chia sẻ thông tin để người bệnh tránh được những suy nghĩ lệch lạc và có tâm lý tốt, thì quá trình điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn…”.
Có lẽ, chính vì được xem là điểm đến cuối cùng của những người mắc bệnh ung thư, nên trong quá trình làm việc tại đây, các y bác sĩ không chỉ làm tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc mà còn phải đảm nhiệm thêm công việc của một chuyên gia tâm lý để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho người bệnh. Bác sĩ trẻ Huỳnh Thị Như Huệ chia sẻ: “Đặc thù của khoa ung bướu là hầu hết bệnh nhân đều ở giai đoạn muộn, tinh thần bị sa sút, thậm chí nhiều bệnh nhân còn cho rằng, bị ung thư thì trước sau cũng chết nên tuyệt vọng đến mức bỏ điều trị. Chính vì vậy, hằng ngày, ngoài những lúc thực hiện y lệnh, tôi vẫn dành thời gian tiếp cận với bệnh nhân, trò chuyện tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, động viên, chia sẻ, cung cấp các thông tin để họ có nhìn nhận đúng về căn bệnh của mình, giúp họ có thêm niềm tin. Từ chỗ có niềm tin họ mới có cảm giác mình đang sống và muốn sống, để họ sẽ tuân thủ phác đồ điều trị”. Còn điều dưỡng Bùi Thị Thanh Nga cho rằng: “Khi có được liều thuốc tinh thần, nhiều người bệnh đã tự tin chống chọi với bệnh tật để được sống và chính nghị lực của họ lại tiếp thêm sức mạnh để đội ngũ y bác sĩ chúng tôi nỗ lực hơn nữa với công việc kéo dài sự sống cho người bệnh”. Như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn Nhâm, ở TP. Buôn Ma Thuột, bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. “Hoàn cảnh gia đình bệnh nhân này rất khó khăn, ngày ngày bác ấy vẫn phải đi ăn xin để có tiền điều trị và phụ giúp gia đình. Thế nhưng, khi nhập viện bác ấy rất tuân thủ theo y lệnh của thầy thuốc. Trong quá trình điều trị cho bác, mỗi lần lấy ven chúng tôi đều phải huy động những người có tay nghề vì ven của bác đã bị chai, xơ, rất khó tìm, nhân viên y tế còn thấy xót xa cho người bệnh vậy mà bác vẫn bảo “các cháu cứ lấy đi, bác chịu được”. Bao nhiêu lần tìm ven là bấy nhiêu lần bác ngồi chịu đau hàng tiếng đồng hồ nhưng vẫn không than vãn một lời, điều ấy đủ để chúng tôi thấy được nghị lực của người bệnh và thấy mình cần phải nỗ lực hơn nữa để tiếp thêm hy vọng sống cho họ” - điều dưỡng Nga thổ lộ.
Phải làm việc trong điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng các y bác sĩ ở khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chẳng có một chút đòi hỏi lợi ích cho riêng mình mà chỉ mong muốn được tăng cường thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị để người bệnh không phải chuyển lên tuyến trên điều trị và hy vọng sống của những con người ấy bớt mong manh.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc