Multimedia Đọc Báo in

Sơ cứu một số tai nạn thông thường

09:02, 08/01/2014

Sơ cứu là những trợ giúp hay chữa trị ngay lúc ban đầu cho người bị nạn trước khi có sự can thiệp của cán bộ y tế. Sơ cứu kịp thời, đúng cách có thể giúp cứu sống hoặc tránh được những thương tật vĩnh viễn cho người bị nạn. Tuy nhiên, nếu sơ cứu không đúng cách có thể làm tình trạng chấn thương nặng thêm, di chứng về mặt thẩm mỹ... Để phòng tránh các nguy cơ đáng tiếc này, việc sơ cứu chấn thương ban đầu là rất quan trọng.

1.Xử trí khi bị chảy máu:

Khi mạch máu bị đứt hay rách sẽ gây ra tình trạng chảy máu, cần cầm máu kịp thời, nếu mất máu nhiều có thể gây choáng (sốc) mất máu.

Cần nâng cao phần tay hoặc chân bị chảy máu và ấn chặt ngay vào chỗ chảy máu để ngăn không cho máu chảy.

Dùng vải sạch, khăn, gạc… để băng ép vết thương chảy máu

Buộc chặt lại, buộc trên và dưới vết thương, không xiết quá chặt để cho máu lưu thông nuôi dưỡng phần tay hoặc chân bị tổn thương.

Lưu ý: Không nên buộc quá lâu có thể làm cho vết thương bị thiếu máu nặng đến mức phải cắt bỏ tay hoặc chân đó đi. Không nên cầm máu bằng thuốc lá, dầu hôi, bùn…bởi có thể làm nhiễm trùng vết thương.

Nếu vết thương có miệng rộng hoặc vết thương nặng sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

2.Sơ cứu khi bị gãy xương hoặc trật khớp:

Trật khớp do khớp bị trật sai lệch vị trí có thể gây đau đột ngột dữ dội.

Nếu bị chảy máu cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp nhằm cầm máu.

Người bị nạn không nên cố nắn chỉnh chỗ đau hoặc cử động hay di chuyển mà nên giữ yên vị trí xương gãy hoặc vị trí trật khớp. Việc tự ý nắn chỉnh lại vị trí bị trật khớp hay gãy xương có thể làm cho vị trí khớp bị trật hay xương bị gãy nặng hơn. Đồng thời, cố định xương gãy nhằm giữ phần xương bị gãy, không gây thêm sự di lệch cho xương để tránh bị tổn thương nhiều hơn và giúp cho đoạn xương bị gãy mau lành

Nếu cơ thể có phần bị đứt lìa cần bảo vệ phần cơ thể bị đứt rời bằng cách để phần cơ thể bị đứt rời vào gạc, đặt trong một túi nylon hoặc túi chất dẻo không thấm nước hoặc hộp kín và để vào một thùng nước đá. Không được để trực tiếp phần đứt rời vào nước đá. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân và phần cơ thể bị đứt rời đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Biện pháp cố định xương gãy:

Đảm bảo sự bất động qua hai khớp trên và dưới vị trí gãy xương. Có thể dùng các vật liệu có sẵn để nẹp bất động cho người bị nạn: cuộn giấy báo, khăn mềm, quần áo, cành cây, nẹp gỗ, thanh giường… và dùng dây buộc cố định lại, nút thắt đặt phía bên không bị thương.

Gãy xương tự bản thân nó ít làm nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không xử trí đúng cách như vội vã vận chuyển bệnh nhân đi mà không cố định chỗ gãy tốt, đầu xương gãy di động sẽ làm tổn thương đến các cơ, mạch máu, thần kinh, cơ quan nội tạng… xung quanh nơi bị tổn thương, có thể làm người bị tai nạn tử vong do mất máu và đau.

3.Xử trí khi cơ thể bị dị vật:

Cơ thể có thể bị các dị vật như hạt đậu, côn trùng… xâm nhập qua đường mũi, tai, miệng… nhất là đối với các trẻ nhỏ vì trẻ luôn hiếu động, tinh nghịch, muốn khám phá thế giới xung quanh nên vô tình nhét các vật vào cơ thể mình. Khi bị dị vật chui vào mũi, họng có thể gây ngạt thở, thậm chí là tử vong vì vậy cần được xử trí kịp thời.

Tùy loại dị vật và vị trí của nó mà có các cách xử trí khác nhau. Không nên cố gắng dùng tay lấy dị vật cho bằng được vì có thể sẽ càng đẩy dị vật vào sâu bên trong. Khi thấy không thể giúp trẻ lấy dị vật ra được cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để lấy dị vật ra.

Dị vật rơi vào tai: Có thể lắc mạnh tai nếu là những vật có hình tròn, đối với những vật có hình dẹt thì dùng nhíp gắp, nếu kiến, côn trùng chui vào tai thì nhỏ vài giọt nước hoặc lấy ngón tay bịt chặt lỗ lai.

Dị vật chui vào mũi: Bày trẻ bịt một bên lỗ mũi không có dị vật và thở thật mạnh để dị vật văng ra.

Dị vật vào mắt: Nằm hoặc ngồi nghiêng đầu về phía mắt có dị vật và nhỏ nước sạch vào liên tục để dị vật trôi ra.

Hóc đường thở:

Trong trường hợp nạn nhân còn hồng hào, không khó thở nên đặt ở tư thế ngồi và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu nạn nhân bị tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu nhanh chóng làm các thủ thuật trong khi chờ gọi xe cấp cứu.

Trẻ dưới 2 tuổi dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực:

Đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trẻ bằng bàn tay phải. Dùng lòng bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở giữa hai bả vai.

4. Xử trí khi bị ngộ độc hóa chất

Trường hợp nuốt phải hóa chất, nếu người bị nạn vẫn còn tỉnh táo nên kích thích để nạn nhân ói (nôn). Tuy nhiên, không nên gây nôn nếu nạn nhân nuốt phải các chất ăn mòn như axít, xăng dầu.

Nếu môi miệng người gặp nạn bị bỏng do hóa chất, hãy cho người bị nạn súc miệng nhiều lần với nước sạch. Nếu bị bỏng do chất kiềm, a xít hãy cho uống nhiều nước hoặc sữa để pha loãng.

                                                         Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc