Multimedia Đọc Báo in

Bệnh thủy đậu và cách phòng ngừa

14:21, 15/02/2014
Hiện nay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh phỏng rạ, trái rạ) và bệnh đang có nguy cơ gia tăng. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng bùng phát nhiều nhất là vào khoảng tháng 3-5.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut Varicella-Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường mắc nhiều nhất ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 90%). Bệnh lây truyền theo đường hô hấp do người bệnh hít phải những giọt nước bọt trong không khí có chứa virut hoặc do tiếp xúc với vùng da bị tổn thương của người bị bệnh thủy đậu. Đây là bệnh có tính lây truyền rất cao, nếu trẻ chưa được tiêm phòng hoặc chưa từng bị thủy đậu thì 90% có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc gần với người đang bị thủy đậu.  

Biểu hiện của bệnh: Người bệnh sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau mỏi cơ khớp, trẻ nhỏ quấy khóc do da bị kích thích gây ngứa rất khó chịu và sau đó trên da xuất hiện những nốt tròn nhỏ, các nốt tròn này sẽ tiến triển thành những nốt phỏng nước. Nốt phỏng này có thể mọc khắp nơi, hay chỉ mọc rải rác trên cơ thể song chủ yếu mọc ở vùng da đầu, mặt, ngực, lưng, bụng, có khi mọc ở cả niêm mạc miệng, họng, kết mạc. Những nốt phỏng sau 3-4 ngày bắt đầu xẹp xuống hoặc bị vỡ ra rồi đóng vẩy. Nếu nốt phỏng vỡ ra mà không bị nhiễm trùng thì các vẩy bong ra sẽ tự khô không để lại sẹo trên da. Nếu các nốt phỏng vỡ ra mà bị nhiễm trùng do vệ sinh da không tốt, do bị bệnh nặng có thể bị xuất huyết kèm theo gây tổn thương da và dễ để lại sẹo trên da sau khi khỏi bệnh.

Thông thường bệnh thủy đậu lành tính nhưng nếu để bị biến chứng thì rất nguy hiểm đối với sức khỏe như nhiễm trùng da, viêm phổi, biến chứng thận... Bệnh cũng truyền qua nhau thai từ mẹ sang con nếu người mẹ đang mang thai bị nhiễm thủy đậu. Trong 3 tháng đầu của thời kỳ mang thai, nếu người mẹ bị thủy đậu thai nhi có thể bị sinh non, dị tật; nếu người mẹ bị bệnh thủy đậu trong 3 tháng cuối của thai kỳ thì tỷ lệ trẻ mắc bệnh thủy đậu là rất lớn, gia tăng nguy cơ bị giời leo sớm trong thời thơ ấu.

Người ở thể bệnh nhẹ, được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh sẽ khỏi nhanh. Nếu cơ thể bị bệnh cấp tính, sức đề kháng yếu, nhất là ở những trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, không được chăm sóc chu đáo, phát hiện bệnh muộn và đã bị các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi... hoặc nặng hơn là bị bội nhiễm vi khuẩn từ nốt phỏng da người bệnh có thể bị nhiễm trùng máu... nguy cơ tử vong thường cao. Một số trường hợp người bị bệnh thủy đậu không có biểu hiện lâm sàng, trên da không có nốt phỏng nên khó phát hiện bệnh để cách ly. Thời kỳ ủ bệnh thường kín (2-3 tuần), thời gian lây truyền bệnh mạnh nhất là trước khi phát ban và sau khi xuất hiện các nốt phỏng đầu tiên trên da. Vì thế, việc phát hiện những biểu hiện sớm của bệnh thủy đậu, kịp thời cách ly để hạn chế lây bệnh sang người lành là rất cần thiết.

Phương pháp điều trị và phòng bệnh:

Cần thực hiện đúng nguyên tắc: Chăm sóc người bệnh đầy đủ về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ và dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ.

Chăm sóc người bệnh tại nhà: Nếu bị nhẹ không phải dùng thuốc thì nên tăng cường chế độ dinh dưỡng và vitamin nhằm tăng sức đề kháng cho người bệnh; vệ sinh da sạch sẽ, khô ráo; cách ly người bệnh cho đến khi các nốt phỏng đã đóng vẩy để tránh lây nhiễm cho người lành; không làm xây xát da, vỡ các nốt phỏng nếu không sẽ bị nhiễm khuẩn rất nguy hiểm.

Lưu ý: Không tắm nước lá, đắp các loại lá cây cho người bệnh, không chà xát da, không làm vỡ các nốt phỏng, tránh gây nhiễm trùng da, đặc biệt là nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong.

Khi phát hiện trẻ bị bệnh, nhà trường cần phối hợp với phụ huynh để trẻ được nghỉ học, đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị sớm, cách ly trẻ bệnh với trẻ lành để tránh lây nhiễm.

Người bị bệnh cần dùng riêng khăn mặt, chậu rửa mặt, đồ dùng cá nhân.

Các chuyên gia y tế khẳng định tiêm vắc-xin thủy đậu là cách phòng bệnh tốt nhất cho mọi người. Theo phác đồ chủng ngừa của Varilrix TM (Công bố tại Hội thảo “Chủ động phòng ngừa ung thư cổ tử cung và thủy đậu” tại Dak Lak tháng 10-2012), lịch tiêm phòng vắc xin thủy đậu như sau:

- Đối với trẻ từ 9 tháng tuổi - 12 tuổi tiêm 1 liều (có thể tiêm thêm liều thứ 2, cách liều 1 từ 6 tuần trở lên).

- Trẻ 13 tuổi trở lên và người lớn tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau từ 6 tuần trở lên.

Vắc-xin này chống chỉ định đối với người đang bị sốt cao cấp tính, đang mang thai (Tránh có thai sau khi tiêm vắc-xin thủy đậu 3 tháng).

Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ nhỏ, người cao tuổi, người suy giảm hệ miễn dịch... cần được tiêm phòng trước tiên. Tuy nhiên, có một số trẻ sau khi tiêm phòng vắc-xin thủy đậu vẫn bị mắc bệnh lại, các trường hợp này thường nhẹ với một số triệu chứng đơn giản như ít bị sốt cao, ít có nốt phỏng rạ và ít bị bội nhiễm hơn.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.