Chăm sóc sức khỏe bà mẹ sau khi sinh
Trong những ngày đầu tiên sau khi sinh
Trong những ngày đầu sau sinh, bà mẹ cần được nằm nghỉ ngơi tại nơi yên tĩnh, trong phòng ấm và thoáng khí để lấy lại sức khỏe. Trong thời gian này bà mẹ có thể tự mình xoa nhẹ vùng bụng dưới giúp dạ con co lại tốt và tránh chảy máu.
Bà mẹ cần cố gắng cho con bú càng sớm càng tốt (trong vòng 1 giờ đầu sau sinh). Bú sớm trẻ sẽ nhận được sữa non (thức ăn phù hợp với bộ máy tiêu hóa của trẻ, tăng sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn). Khi cho trẻ bú, động tác bú của trẻ sẽ giúp bà mẹ co hồi tử cung, cầm máu sau đẻ, mẹ đỡ thiếu máu. Việc cho trẻ bú sớm còn giúp kích thích sữa bài tiết sớm, tránh được hiện tượng cương tức vú, khả năng tiết sữa kéo dài hơn, thời gian cho bú lâu hơn, bảo đảm việc cung cấp sữa cho trẻ.
Sau 24 giờ, bà mẹ nên ngồi dậy đi lại nhẹ nhàng trong phòng để giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục. Bà mẹ cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn những thức ăn mềm, uống nhiều nước hoa quả để chống táo bón và ngủ đủ giấc. Không nên kiêng khem quá mức như chỉ ăn thịt nạc kho mặn và khô, không ăn trái cây và các loại lá rau vì sợ lạ bụng…
Vệ sinh sau khi sinh là rất quan trọng. Hằng ngày, bà mẹ nên rửa vùng sinh dục ngoài bằng nước đun sôi để ấm, sau mỗi lần rửa sạch phải thấm khô và thay băng vệ sinh, ít nhất 2 lần một ngày. Lau người thay quần áo sạch hằng ngày. Đối với những người khỏe mạnh thì khoảng 3 tuần sẽ hết sản dịch
Trong thời kỳ hậu sản, nếu thấy sản phụ có những dấu hiệu bất thường: Ra máu đỏ tươi, máu vón cục, cơ thể bị sốt, đau bụng âm ỉ kéo dài, dịch chảy ra từ cửa mình có mùi hôi, mặt mũi, tay chân bị phù, đau đầu nhiều, mắt nhìn mờ hay sản phụ bị ngất hoặc co giật cần báo ngay cho nhân viên y tế.
Chồng và những người thân cần động viên, chăm sóc và giúp đỡ bà mẹ trong sinh hoạt và vệ sinh hằng ngày để bà mẹ có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi cơ thể, đủ sữa nuôi con. Theo dõi nếu thấy bà mẹ có dấu hiệu gì bất thường cần báo ngay cho nhân viên y tế để kịp thời xử lý.
Chăm sóc trong thời kỳ hậu sản (42 ngày sau sinh)
Trong thời kỳ này, chồng và mọi người trong gia đình cần chia sẻ, tạo điều kiện để sản phụ được nghỉ ngơi, tinh thần luôn thoải mái.
Bà mẹ cần ăn nhiều loại thức ăn tốt nhất mà gia đình mình có như trứng, lạc, vừng, rau, đậu, cá, tôm, tép… Mỗi bữa bà mẹ nên ăn thêm một bát cơm so với trước đây, uống đủ nước. Bà mẹ không được dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, chè đặc… giảm ăn các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, dấm.
Bà mẹ cũng cần tiếp tục uống thêm viên sắt 1 tháng sau khi sinh.
Cần rửa cửa mình và thay băng vệ sinh hằng ngày khi còn sản dịch nhằm tránh cho cơ thể bị viêm nhiễm, qua đó cũng theo dõi xem có chảy máu nhiều không, tránh băng huyết sau khi sinh. Sau một tuần, bà mẹ có thể tắm nhanh bằng nước ấm, trong phòng kín gió để tránh bị cảm lạnh. Tắm rửa sớm sẽ giúp làm sạch các tế bào chết trên da, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho cơ thể, giúp da sạch sẽ, phòng ngừa các bệnh ngoài da. Sau 1 – 2 tuần bà mẹ có thể làm những công việc nhẹ nhàng giúp cho tinh thần được thoải mái, tuần hoàn tốt, ăn ngon, ngủ tốt. Không lao động nặng ít nhất 2 tháng đầu. Không quan hệ tình dục trong 42 ngày đầu sau đẻ (đối với các trường hợp đẻ thường), những trường hợp đẻ khó hoặc ốm đau thì nên kiêng dài hơn, người chồng cần thông cảm và chia sẻ với vợ trong chuyện này. Khi quan hệ tình dục phải sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp, sẵn có. Sau khi sinh nếu không sử dụng các biện pháp tránh thai nào bà mẹ có thể có thai ngay sau thời kỳ hậu sản.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc