Multimedia Đọc Báo in

Y đức phải được trau dồi hằng ngày

09:41, 26/02/2014
Y đức luôn là mối quan tâm đặc biệt của xã hội bởi từ khi biết đến bệnh tật, con người đã coi người thầy thuốc như vị cứu tinh của mình.
 
Xã hội trân trọng, ca ngợi người thầy thuốc bởi phẩm chất và trách nhiệm cao quý là chữa bệnh, cứu người. Hai chữ “y đức” cũng vì vậy mà gắn liền với người thầy thuốc như một nhân cách đặc thù. Nhân kỷ niệm 59 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2, Thầy thuốc Ưu tú Lê Nguyên Bằng, nguyên Giám đốc Sở Y tế Dak Lak đã bày tỏ những trăn trở về vấn đề y đức hiện nay.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đang chăm sóc bệnh nhân (Ảnh minh họa)
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đang chăm sóc bệnh nhân (Ảnh minh họa)

 Ngay từ khi bước chân vào trường y, các y bác sĩ tương lai đã được học lời thề của Hippocrates, 12 điều Y đức và tấm gương Hải Thượng Lãn Ông. Bộ môn Y xã hội học và Y đức cũng đã cung cấp cho sinh viên trường y những kỹ năng giao tiếp, ứng xử nghề nghiệp cần thiết với mong muốn ngoài tài năng, các em phải thật sự có đạo đức, hai yếu tố quan trọng nhất khi quyết định trở thành thầy thuốc. Tuy nhiên, thực tế là một bộ phận thầy thuốc đã và đang đi ngược lại với những lời giáo huấn của các bậc tiền bối. Thời gian gần đây, một số sai phạm của cán bộ y tế đã khiến dư luận đặt ra nghi vấn rằng y đức liệu có tồn tại? Nói về nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm y đức của một số y, bác sĩ hiện nay, Thầy thuốc Ưu tú Lê Nguyên Bằng cho rằng đó chính là một trong những hệ lụy của nền kinh tế thị trường, nơi mà mọi thứ đều có thể đem ra trao đổi, mua bán, đồng tiền trở thành thứ có sức mạnh đặc biệt. Vấn nạn “phong bì bệnh viện” khiến cho mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân trở thành cuộc trao đổi hàng hóa, có “nhận lại” mới có “cho đi”. Bác sĩ Bằng cũng giải thích thêm, nếu trước đây, sinh viên ngành y ra trường đều chịu sự phân công công tác của Nhà nước thì nay chính sách tự đi xin việc của mỗi cá nhân đã nảy sinh nhiều bất cập, ai cũng muốn được công tác ở thành phố, nơi có điều kiện kinh tế phát triển, ít ai muốn về vùng sâu, vùng xa, từ đó đã xảy ra hiện tượng tiêu cực trong công tác tuyển dụng, phân bổ nhân lực, y đức của cán bộ y tế cũng từ đó có sự thay đổi.

 Thầy thuốc Ưu tú  Lê  Nguyên Bằng.
Thầy thuốc Ưu tú Lê Nguyên Bằng.

Bác sĩ Lê Nguyên Bằng quan niệm y đức trong mỗi cán bộ y tế cũng giống như đạo đức của mỗi con người, hình thành và được trau dồi trong quá trình giáo dục của 3 môi trường là gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, mỗi cá nhân luôn luôn phải tích cực học tập, trau dồi nhân cách. Đối với người thầy thuốc, việc tu dưỡng y đức phải được thực hiện ngay từ khi còn là sinh viên ngành y, và trong quá trình công tác, người thầy thuốc cần phải biết vượt lên bản ngã, những cám dỗ của danh lợi và vật chất, đặt nhiệm vụ chữa bệnh, cứu người lên hàng đầu. Đối với người bệnh, y đức không cần là thứ gì quá to lớn, xa xôi, mà nó chỉ đơn giản là thái độ ân cần, niềm nở, lời nói nhẹ nhàng, dễ nghe đối với bệnh nhân, và quan trọng nhất đó là trách nhiệm với tình trạng bệnh tật của bệnh nhân; sự cẩu thả và thờ ơ là điều khiến người bệnh lên án nhiều nhất.

Những năm gần đây, ngành y tế Việt Nam nói chung và tỉnh Dak Lak nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu trong điều trị bệnh bằng việc áp dụng những tiến bộ y khoa tiên tiến của thế giới. Những căn bệnh lạ, phức tạp đều được ngành y tế điều trị thành công, mang lại sự sống cho rất nhiều người. Song, y đức của người thầy thuốc lại đang trở thành tâm điểm của dư luận. Để nâng cao y đức cho cán bộ y tế, Thầy thuốc Ưu tú Lê Nguyên Bằng cho rằng Nhà nước cần phải có những chính sách thiết thực, công bằng và hợp lý đối với công sức, trí tuệ mà mỗi y, bác sĩ đã bỏ ra. Điều này hệ thống y tế tư nhân đang thực hiện rất tốt: người làm nhiều, làm tốt thì hưởng nhiều và ngược lại; người làm sai, thiếu trách nhiệm phải kỷ luật thật nghiêm khắc. Bác sĩ Bằng khẳng định: để đánh giá đúng sự nỗ lực của mỗi y, bác sĩ thì phải dựa vào lãnh đạo, người lãnh đạo có gương mẫu thì mới mong có những nhân viên tốt.

Đình Huế 


Ý kiến bạn đọc