Ghi từ phòng mổ
Có chứng kiến những “cuộc chiến cứu người” đầy căng thẳng của các bác sĩ phẫu thuật mới thấy được áp lực của người thầy thuốc khi bước vào ca mổ.
Bác sĩ Bùi Việt Cường, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau mổ. |
Cởi bỏ trang phục của phẫu thuật viên, bước ra khỏi khu vực phẫu thuật, khi ấy bác sĩ Chuyên khoa II Trần Đình Trí, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Đa khoa tỉnh bộc bạch với chúng tôi: “Mỗi ca mổ luôn là một cuộc đấu trí căng thẳng của cả kíp mổ nên sự im lặng để tập trung làm việc là rất cần thiết. Dù bệnh nặng hay nhẹ thì khi bắt tay vào ca mổ, bác sĩ phẫu thuật chúng tôi đều phải tính toán từng đường dao, cây kim, sợi chỉ và cả sức chịu đựng của bệnh nhân nữa. Với ca bệnh vừa rồi, khi tiến hành phẫu thuật tôi cứ lo bệnh nhân đã lớn tuổi sẽ có nhiều nguy cơ. Nhưng cũng may mọi việc diễn ra thuận lợi…”. Gần 30 năm cầm dao phẫu thuật, bác sĩ Trí chẳng còn nhớ mình đã cứu chữa thành công cho bao nhiêu người bệnh, nhưng với ông, cảm giác sung sướng, tự hào khi thực hiện phẫu thuật thành công, giữ được tính mạng cho người bệnh vẫn vẹn nguyên như lần tiến hành ca mổ đầu tiên. “Làm công tác ngoại khoa phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Mỗi người bệnh được phẫu thuật thành công thì cả ê kíp ai cũng thấy hạnh phúc, tự hào. Và chúng tôi cũng không thể tránh khỏi cảm giác đau đớn, thao thức, nghĩ suy, dằn vặt khi một ca mổ thất bại, dù đó hoàn toàn không phải lỗi ở bác sĩ. Đôi khi với những ca bệnh phức tạp, phẫu thuật thành công rồi vẫn chưa thấy yên tâm nên sau mổ chúng tôi thường xuyên lui tới kiểm tra thể trạng người bệnh - bác sĩ Trí chia sẻ. Cùng tâm trạng ấy, bác sĩ Bùi Việt Cường, khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh thổ lộ: “Với một bác sĩ ngoại khoa, dù có cẩn thận, cố gắng hết sức thì không ai có thể lường trước được điều gì có thể xảy ra trong phòng mổ, bởi cơ thể con người luôn là một bí ẩn, dù bác sĩ có giỏi đến đâu thì cũng khó tiên lượng hết mọi vấn đề. Với chúng tôi, những ca mổ thành công thì dễ quên lắm, nhưng những ca thất bại thì nhớ mãi, nhớ để nhắc mình phải học nhiều hơn nữa…”.
Theo thống kê sơ bộ, bình quân mỗi ca trực bác sĩ khoa ngoại tổng quát thực hiện khoảng 20 ca mổ, cả mổ thường quy và mổ cấp cứu. Như vậy, mỗi ngày, một bác sĩ cũng phải thực hiện vài ca phẫu thuật. Nói thì nhẹ nhàng như thế, nhưng để trở thành một phẫu thuật viên có kinh nghiệm, các bác sĩ phải mất rất nhiều thời gian rèn luyện. Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Chuyên khoa II Trần Đình Trí cho biết: “Để trở thành một “tay mổ” làm tốt, một bác sĩ ngoại khoa phải mất 10-15 năm đào tạo, huấn luyện. Tuy nhiên, trong thời điểm này, bệnh nhân đông, nhân lực thiếu, chúng tôi vẫn phải cắt cử các bác sĩ “non tay” lên trực chính, nhưng ban lãnh đạo khoa và các bác sĩ có kinh nghiệm sẽ tích cực hỗ trợ, khi cần có thể hội chẩn qua điện thoại hoặc lúc có ca bệnh nặng thì chúng tôi sẽ trực tiếp tham gia cấp cứu cùng kíp trực. Có lẽ, cách làm này vừa giải quyết được khó khăn về nhân lực nhưng cũng là cách để các bác sĩ trẻ có quá trình rèn luyện trở thành “tay mổ” có kinh nghiệm”.
Quả thực, các bác sĩ đã phải mất rất nhiều công sức để trở thành một phẫu thuật viên chính. Họ nỗ lực rèn luyện, học tập, nâng cao tay nghề chỉ bởi một lý do giản dị mà đáng trân trọng: “Là bác sĩ phải làm hết khả năng để cứu chữa cho người bệnh”.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc