Multimedia Đọc Báo in

NHỮNG KHOẢNG TRỐNG TRONG CÔNG TÁC Y TẾ DỰ PHÒNG

Kỳ I: Y tế dự phòng: Thiếu đủ đường

14:37, 07/03/2014

Công tác y tế dự phòng (YTDP) luôn được xem là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập và đưa ra chiến lược dự phòng nhằm thay đổi những yếu tố lây lan bệnh có thể can thiệp được, góp phần chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Tuy nhiên, mạng lưới YTDP trên địa bàn tỉnh hiện thiếu sự đầu tư nên khá “èo uột” về cơ sở vật chất, thiếu nguồn nhân lực chuyên sâu, trong khi thách thức công việc lại quá lớn. 

Ăn nhờ ở tạm

Sau hơn 5 năm chia tách Trung tâm y tế tuyến huyện thành Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế dự phòng (nay gọi là Trung tâm Y tế), đến nay vẫn còn khoảng 50% trong số 15 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh vẫn phải chịu cảnh “ăn nhờ, ở đậu” cơ sở của bệnh viện, trạm y tế. Những địa điểm ở nhờ này phần lớn đã xuống cấp, phòng ốc làm việc chật chội, không bảo đảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuyên môn của các trung tâm. Đơn cử như Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ, những năm qua, dù phải di chuyển đôi, ba lần, nhưng Trung tâm này vẫn đang phải “nương nhờ” tại khu nhà ăn của Bệnh viện Đa khoa thị xã. Chính vì nhà ăn được trưng dụng thành trụ sở làm việc nên ở đây mới có những chuyện “cười ra nước mắt”: cán bộ y tế tận dụng kệ bếp nấu thành bàn làm việc; bồn rửa chén đôi khi lại trở thành nơi để vật dụng văn phòng; hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin, máy móc trang thiết bị, thuốc của các chương trình cấp về đều được để chung trong nhà kho, hay lúc cần hội trường sinh hoạt, tập huấn thì tất cả bàn làm việc, máy móc của nhân viên đặt tại phòng ăn được dẹp vào một góc để có không gian cho hoạt động chung… Bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ bộc bạch: Do không có cơ sở của riêng mình nên Trung tâm gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động. Tình trạng này kéo dài nhiều năm dần dần bắt buộc mọi người cũng phải thích nghi để làm việc. Song, mệt mỏi nhất là những khi có hoạt động chung hoặc tập huấn các chương trình cho y tế xã, phường thì vấn đề phòng ốc lại trở thành nan giải.

a

Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ phải trưng dụng kệ bếp thành bàn làm việc.

Cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Y tế huyện Krông Buk được bố trí ở nhờ Trạm Y tế xã Pơng Drang. Vì không có đủ phòng ốc phục vụ các hoạt động, Ban lãnh đạo Trung tâm đã phải cải tạo cả những khoảng không ngoài trời thành nơi làm việc như tận dụng mái hiên của 2 dãy nhà đối diện nhau, lợp tôn nối liền lại để làm hội trường và kho để dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin, còn khu nhà xuống cấp, dột nát trạm y tế không sử dụng được, Trung tâm cũng dùng làm nhà kho để máy móc, hóa chất. Hay như Trung tâm Y tế huyện Krông Pak, vẫn tận dụng cơ sở hạ tầng của đội y tế dự phòng từ thời chưa tách ra khỏi Trung tâm Y tế cũ nên thiếu thốn trăm bề… Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí, có những đơn vị dù được trang bị máy móc hiện đại nhưng do cơ sở tạm bợ, xuống cấp nên không thể vận hành và khó bảo quản. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Lê Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết: khu nhà trung tâm đang sử dụng được xây dựng từ trước giải phóng, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nên dù trung tâm đã được cấp máy làm răng và có nhân lực vận hành, nhưng vẫn không triển khai được do không có phòng đặt máy. Hay như, trung tâm muốn bố trí một phòng riêng để bệnh nhân lao khạc đờm làm xét nghiệm nhằm phòng tránh lây lan, song cũng không có phòng… Được biết, trong số 15 trung tâm y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh hiện mới có khoảng 50% đơn vị có được cơ sở hạ tầng, nhà cửa (chưa kể máy móc, trang thiết bị). Cơ sở hạ tầng của các đơn vị còn lại rất tạm bợ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Thiếu nhân lực chuyên sâu

Có lẽ, sự thiếu trước hụt sau về cơ sở vật chất của hệ thống YTDP ở tỉnh ta kéo dài, dần dà cũng đã được những người trong cuộc chấp nhận một cách bất đắc dĩ, song điều  đáng lo nhất trong ngành dự phòng chính là tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên sâu. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết: Trước đây có một thời kỳ cán bộ YTDP chuyên khoa vệ sinh dịch tễ liên tục được đào tạo, nhưng hơn chục năm sau đó, hoạt động này bỗng dưng bị ngắt quãng và đổi sang chú trọng đào tạo bác sĩ đa khoa. Cả một thời gian dài không đào tạo cán bộ YTDP nên đương nhiên dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực YTDP ngày nay. Hiện phần lớn các bác sĩ công tác trong hệ YTDP đều từ hệ điều trị chuyển sang, thiếu hẳn những người được đào tạo chuyên khoa về YTDP, nên chỉ đáp ứng được những nhiệm vụ cấp bách, còn về chiến lược lâu dài vẫn chưa đáp ứng được.

Trên thực tế, cán bộ y tế dự phòng phải “gánh” rất nhiều việc, từ phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường cho đến y tế trường học, y tế lao động…, nên khi một bác sĩ hệ điều trị chuyển sang làm công tác YTDP sẽ phải mất một thời gian dài để làm quen với các chương trình và tự đào tạo mình để thích nghi với công việc. Theo đánh giá mới đây của ngành Y tế, nguồn lực cán bộ YTDP hiện nay mới đáp ứng được 76% nhu cầu của tuyến Trung ương, 55% nhu cầu của tuyến tỉnh và 43% nhu cầu của tuyến huyện. Nguyên nhân của thực trạng này là do công tác đào tạo nhân lực YTDP không được quan tâm trong một thời gian dài; chế độ đãi ngộ thấp, không có thu nhập thêm ngoài lương nên việc thu hút nhân lực về công tác tại các đơn vị YTDP gặp nhiều khó khăn.

Được biết, năm 2012, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực y tế đến năm 2020, trong đó nêu rất cụ thể việc đào tạo nguồn nhân lực cho YTDP. Liệu mục tiêu này có trở thành hiện thực khi chế độ lương bổng, đãi ngộ đối với cán bộ YTDP còn quá thấp trong khi khối lượng công việc lại nhiều!

(Còn nữa)

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc