Multimedia Đọc Báo in

NHỮNG KHOẢNG TRỐNG TRONG CÔNG TÁC Y TẾ DỰ PHÒNG

Kỳ II: Đầu tư như muối bỏ biển

14:40, 07/03/2014

Lâu nay, người ta vẫn thường nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vậy mà trên thực tế, chỉ có hệ điều trị mới được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, bổ sung nhân lực để ngày càng nâng cao chất lượng, còn hệ dự phòng dường như bị lãng quên…

Đầu tư: Xem nhẹ Y tế dự phòng

Hiện nay, mạng lưới YTDP của tỉnh có 1 Trung tâm YTDP tuyến tỉnh, 15 trung tâm y tế tuyến huyện và 184 trạm y tế xã, phường, thị trấn tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh và các bệnh không truyền nhiễm, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe môi trường, sức khỏe trường học, ATVSTP, dinh dưỡng cộng đồng, truyền thông giáo dục sức khỏe... Có thể khẳng định, YTDP có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, song lâu nay, không chỉ người dân mà ngay các cơ quan quản lý đều xem nhẹ YTDP. Và điều ấy được thể hiện rất rõ trên thực tế khi cùng là các cơ sở y tế như nhau, nhưng hệ thống bệnh viện làm công tác điều trị thì có cơ sở khang trang, được đầu tư bài bản với máy móc, trang thiết bị hiện đại, nhân lực có trình độ chuyên môn, còn hệ thống Trung tâm Y tế làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh thì không có trụ sở hoặc trụ sở xuống cấp, tạm bợ, phương tiện và nhân lực thiếu thốn. Có thể xem TP. Buôn Ma Thuột là một điển hình, trái ngược với hình ảnh khang trang của Bệnh viện thành phố, trụ sở của Trung tâm Y tế rất tạm bợ. Cơ sở của đơn vị này có từ trước năm 1975 và đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Thế nhưng, khi được hỏi về cơ sở mới, bác sĩ Lê Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột thở dài: “Chúng tôi đã từng có dự án xây dựng một cơ sở khang trang, nhưng khi Nghị quyết 11 ra đời có chủ trương cắt giảm đầu tư công nên dự án bị đình lại”. Rồi, tại huyện Krông Pak, tình cảnh cũng tương tự khi bệnh viện thì được đầu tư xây dựng từ hạng mục này đến hạng mục khác, còn Trung tâm Y tế thì từ ngày thành lập đến nay vẫn “ẩn mình” trong dãy nhà chật chội được tận dụng lại của đội YTDP từ thời chưa tách Trung tâm Y tế trước đây… Thiếu sự đầu tư về cơ sở vật chất không chỉ khiến cho cán bộ YTDP nảy sinh tâm lý mình là “con ghẻ” của ngành mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chuyên môn của các Trung tâm. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trần Ngọc Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ cho biết, trước đây Trung tâm Y tế được phép khám sức khỏe định kỳ cho các đối tượng là người lao động tại các doanh nghiệp, người tham gia sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, học sinh…. Thế nhưng, tháng 5-2013 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư 14 hướng dẫn khám sức khỏe với yêu cầu khi khám phải có xét nghiệm công thức máu, đường huyết và chụp X-quang tim, phổi, trong khi  Trung tâm lại không có máy X-quang nên phải dừng việc khám sức khỏe lại.

a

Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ, hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin được để chung trong nhà kho với nhiều đồ dùng, máy móc, thiết bị khác.

Rõ ràng, hệ thống YTDP trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đúng mức là điều ai cũng có thể thấy. Song, điều ít ai ngờ tới là ngay cả những người trong ngành Y tế cũng xem nhẹ YTDP. Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc của Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Y tế tại Dak Lak, mặc dù được tận mắt chứng kiến cảnh Trung tâm Y tế “ăn nhờ, ở tạm” cơ sở của bệnh viện, nhưng trong buổi làm việc với lãnh đạo và các ngành hữu quan của tỉnh, vị lãnh đạo cấp cao của Bộ Y tế vẫn cho rằng việc đầu tư xây dựng trụ sở của các Trung tâm Y tế tuyến huyện là không cần thiết, những đơn vị nào đã “lỡ” xây dựng rồi thì thôi, còn đơn vị nào chưa xây dựng thì dừng lại(!). Không thể phủ nhận việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì vậy, vấn đề cấp thiết, lâu dài và quan trọng hơn cả trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân là phải xây dựng được mạng lưới YTDP có đầy đủ các điều kiện, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Mà muốn làm được điều này trước tiên phải thay đổi quan niệm, cách nhìn chưa đúng về bản chất của YTDP đang hiện hữu. 

Kinh phí hoạt động: Có “chống” nhưng thiếu “phòng”

Mặc dù Chiến lược quốc gia về YTDP đã nêu rõ: "Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho YTDP" và Nghị quyết 18/2008/NQ-QH12 cũng khẳng định: “Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho YTDP”. Song, chính vì quan niệm xem trọng điều trị hơn dự phòng nên việc đầu tư cho YTDP thời gian qua còn khá khiêm tốn, ở đây xin nêu thêm một vấn đề nhỏ là kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng, chống dịch. Điều dễ thấy là đầu tư cho phòng bệnh sẽ tốn ít kinh phí mà hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần so với việc để dịch xảy ra rồi mới lo chống dịch, nhất là đối với một số bệnh không do vi khuẩn gây ra và có tỷ lệ tử vong cao như tim mạch, ung thư, đái tháo đường... Thế nhưng, trên thực tế, kinh phí cho phòng bệnh lại không có, hoặc có thì chẳng thấm vào đâu như kiểu “muối bỏ biển”. Chẳng hạn như kinh phí mua thuốc cấp cho hoạt động phòng chống các bệnh không truyền nhiễm (tâm thần, đái tháo đường…) năm 2013, đến thời điểm này đã là cuối năm vẫn chưa được cấp về dù nguồn kinh phí đó không lớn, buộc các Trung tâm phải tự xoay xở để duy trì hoạt động. Đơn cử như Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ, để có thuốc cấp phát cho các đối tượng ở cộng đồng thuộc các chương trình, Trung tâm đã phải thương lượng với quầy thuốc để được mua chịu thuốc ở đây, đến thời điểm này, quầy thuốc đòi tiền trong khi kinh phí vẫn chưa được cấp, Trung tâm rơi vào thế “bí” đành phải nhờ cấp trên can thiệp để Trung tâm tiếp tục được nợ tiền thuốc đến khi có kinh phí cấp về. Người ta nói rằng, đầu tư cho YTDP một thì sẽ có lãi gấp ba lần, nhưng với sự đầu tư nhỏ giọt như hiện nay, công tác dự báo dịch cũng như phòng dịch rất khó. Nếu YTDP được đầu tư tốt thì có thể dự báo dịch trong vòng từ 5-10 năm và chủ động đề phòng đối với phó những dịch có khả năng xảy ra nhằm giảm thiểu nguy cơ…

(Còn nữa)

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc