Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống phải thức ăn, đồ uống có chất độc. Có rất nhiều nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm nhưng người ta xếp các nguyên nhân này thành các nhóm như sau:
Do vi sinh vật: vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm mốc...
Do bản thân thực phẩm chứa các độc tố tự nhiên như: cá nóc, nấm độc, mật cá trắm, lá ngón...
Do hóa chất như: thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, phụ gia thực phẩm...
Do thực phẩm bị biến chất: chất đạm, chất béo bị biến tính, ngũ cốc bị hỏng, mốc...
Biểu hiện khi bị ngộ độc thực phẩm:
Bị ngộ độc do vi sinh vật: người bệnh đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
Do hóa chất: buồn nôn, nôn, rối loạn cảm giác vận động, đau đầu.
Do độc tố tự nhiên: đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, kèm theo đau đầu, rối loạn cảm giác.
Xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm:
Khi có trường hợp bị ngộ độc do thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc nên bỏ ngay thức ăn, đồ uống nghi ngờ gây ngộ độc. Giữ toàn bộ thức ăn thừa (đã bị ngộ độc), chất nôn, phân để gửi đi xét nghiệm.
- Trước tiên làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết thức ăn, đồ uống bằng cách cho ngón tay vào họng để kích thích nôn, ngăn cản sự hấp thu của ruột đối với chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Nếu bị ngộ độc do vi sinh vật hoặc do thực phẩm bị biến chất thì người bị ngộ độc thực phẩm nên nghỉ ngơi để cơ thể bớt mệt mỏi; nên uống nhiều nước để tránh mất nước hoặc bù lượng nước đã mất đi do bị tiêu chảy. Khi thấy trong người nóng, sốt, nôn mửa liên tục cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Nếu bị ngộ độc thực phẩm do hóa chất hoặc do độc tố tự nhiên cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời.
Các biện pháp để phòng tránh:
- Phải chọn thực phẩm tươi sống, sạch sẽ.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi.
- Ăn ngay thức ăn vừa nấu xong (trong 2 giờ đầu).
- Thức ăn phải được bảo quản đúng cách, hợp vệ sinh. Đặc biệt là loại có kem, sữa.
- Đun chín kỹ mọi loại thức ăn trước khi sử dụng lại.
- Không sử dụng các loại thực phẩm quá hạn sử dụng, thức ăn ôi thiu.
- Rửa tay trước khi chế biến thức ăn.
- Dùng nguồn nước sạch để chế biến thức ăn như: nước giếng khơi, giếng khoan, nước máy…
- Không để các loại chuột, ruồi, gián… xuất hiện trong khu vực chế biến thực phẩm.
- Dụng cụ chế biến và nấu nướng nên sử dụng riêng biệt giữa thực phẩm sống và chín.
- Việc lựa chọn thực phẩm là khâu rất quan trọng; đối với thực phẩm tươi, sống như: rau, quả, thịt, cá…; đặc biệt là những thực phẩm chế biến sẵn nên mua ở những cơ sở có uy tín, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng như: tên cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng…
- Lượng thức ăn nên chuẩn bị vừa phải, như vậy thức ăn sẽ ngon, tránh dư thừa, lãng phí.
- Những loại hóa chất như: thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột... cần có nơi để riêng biệt, luôn giữ đầy đủ nhãn mác để tránh nhầm lẫn trong khi sử dụng.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc