12:09, 16/03/2014
Nhiều loại cây, củ, quả, nấm… dùng làm thực phẩm mọc hoang dại (gọi chung là rau rừng) trước đây thường chỉ thấy trong các bữa ăn của đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng ngày nay đã trở nên khá phổ biến đối với đại đa số người dân trong tỉnh; thậm chí, các nhà hàng, quán nhậu cũng sử dụng để chế biến thành các món ăn cho thực khách.
Các loại rau rừng ban đầu khó ăn nhưng khi ăn một vài lần rồi thì quen và thành “ghiền” bởi vị lạ lẫm, đậm đà hơn các loại rau trồng phổ biến khác. Tuy nhiên, nhiều người hiện nay vẫn thường nghĩ rằng rau rừng khá an toàn bởi nó mọc tự nhiên, không qua bàn tay chăm sóc của con người và tuyệt nhiên sẽ không có hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Chị Lê Thị Huyền ở phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Tuần nào trong bữa ăn của gia đình chị cũng có một vài món rau rừng như các loại rau xanh, nấm, măng... để cải thiện khẩu vị mỗi người. Mặc dù giá cả của các loại rau rừng trên thị trường đắt hơn so với rau thông thường nhưng nghĩ rằng sẽ bảo đảm chất lượng, không có hóa chất nên gia đình chị cũng như nhiều người dân khác khá yên tâm mua về sử dụng. Song ít ai biết rằng, do nhu cầu của thị trường khá lớn nên hầu hết các loại rau rừng bày bán trên thị trường đều được người dân đưa về trồng như các loại rau thông thường khác và có sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích quá trình sinh trưởng của cây để thu lợi nhuận nhanh. Chưa hết, các loại rau rừng dù được thu hái ngoài tự nhiên về trồng hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng thì việc phân biệt rõ ràng các loại rau này là điều không đơn giản. Do là loài cây hoang dại trong tự nhiên, nhiều loại rau, quả, nấm rừng ăn được trông rất giống với những loại mọc hoang dại có độc tố khác. Chẳng hạn loại rau bép (hay còn gọi là rau nhíp) có hai dạng, một là dạng cây nhỏ ăn được và dạng cây có độc tố không nên ăn. Hay như loại nấm mít, thường mọc ở thân cây mít rừng vào mùa mưa, nhưng có những loại nấm rất giống nhưng lại có độc tố cao… Những loại này giống về hình dạng lá, thân, màu sắc, lại mọc gần nhau nên rất dễ nhầm lẫn mà ngay cả với người dân bản địa, dù rau rừng xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày của họ nhưng tình trạng ngộ độc vẫn khó tránh. Cách đây không lâu, khoảng tháng 6-2013, chị H’Loan H’Đơk ở xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) khi đi rừng lấy củi đã hái rau rừng về nấu canh ăn như mọi lần. Nhưng sau khi ăn thì chị và 2 con nhỏ đều bị ngộ độc, nôn mửa, hôn mê, suy thận cấp phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viên Đa khoa huyện Buôn Đôn và may mắn thoát nạn. Hay như tháng 2- 2014 vừa qua có trường hợp của chị Lý Thị Liên (người dân tộc Mông) ở xã Yang Hanh (huyện Krông Bông) bị chứng ảo giác, phù nề toàn thân sau khi hái nấm lạ từ rừng về ăn dẫn đến sảy thai…
|
Nhiều loại rau rừng được người dân bày bán cùng với các loại rau thông thường khác. |
Những năm gần đây, theo ghi nhận của ngành y tế tỉnh, mặc dù chưa có trường hợp tử vong do ăn các loại rau rừng, nhưng việc bị ngộ độc, ảo giác và triệu chứng nguy hiểm khác thì không ít. Rau rừng hiện đang được bán tràn lan trên thị trường và người tiêu dùng vẫn cứ vô tư mua về chế biến các món ăn trong gia đình mà hầu như không nghĩ đến những rủi ro có thể mắc phải. Trong khi đó, những loại rau này chưa được cơ quan nào nghiên cứu, kiểm định về mức độ an toàn nên tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Hầu hết người dân sử dụng các loại rau rừng là do kinh nghiệm, nhìn thấy lạ thì mua về ăn thử, hay nghe người khác nói là ăn được nên hái về ăn… dẫn đến nhiều trường hợp mặc dù rau không có độc tố nhưng khi kết hợp với một loại gia vị hay thực phẩm nào đó lại sinh ra độc tố gây hại…
Theo một số chuyên gia y tế trong tỉnh, mỗi người dân trước khi sử dụng bất cứ loại cây, rau rừng nào cần thận trọng xem xét, nhất là việc hái các loại rau trong rừng về ăn khi chưa biết rõ về loại rau đó, nhằm hạn chế tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để mọi người cùng nâng cao hiểu biết, ý thức khi thưởng thức đặc sản rừng.
Quốc Thành
Ý kiến bạn đọc