Multimedia Đọc Báo in

Triển khai khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế: Đụng đâu cũng khó

10:07, 27/03/2014
Để đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, mỗi trạm y tế (TYT) phải có vườn thuốc nam mẫu và tổ điều trị đông y. Thế nhưng, thực tế khi triển khai các hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, các TYT trên địa bàn đã gặp không ít khó khăn…

Thiếu cả nhân lực lẫn trang thiết bị

Trong số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh mỗi ngày tại TYT xã Ea Kênh (huyện Krông Pak), những người có nhu cầu khám bệnh theo phương pháp y học cổ truyền là không ít, song chỉ những bệnh đơn giản mới được khám và điều trị tại trạm, còn phần lớn bệnh nhân đều được giới thiệu lên tuyến trên. Lý giải nguyên nhân, bác sĩ Hoàng Thị Hương, Trạm trưởng TYT xã Ea Kênh cho biết: “Về hiệu quả tức thì, điều trị bệnh bằng tây y chiếm ưu thế hơn nhiều so với đông y, nhưng điều trị bằng đông y ít tác dụng phụ hơn, hiệu quả lại bền vững nên nhiều người dân trong vùng, nhất là những người cao tuổi vẫn lựa chọn khám, chữa bệnh bằng phương pháp này. Nhưng hiện tại, các dụng cụ phục vụ khám, chữa bệnh của trạm còn rất nghèo nàn. Hơn nữa, trong số thuốc bảo hiểm y tế đưa về xã, thuốc đông y chỉ có một vài loại thuốc hoàn, còn thuốc bốc theo thang thì không có. Chính vì vậy, dù có lợi thế hơn những TYT khác trong huyện là có y sĩ chuyên trách, nhưng hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở trạm chúng tôi vẫn chủ yếu là tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng cây thuốc nam để chữa bệnh…”.

Với TYT xã Ea Phê (huyện Krông Pak), ngoài sự thiếu thốn trang thiết bị, ách tắc lớn nhất trong việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền lại là nhân lực. Mặc dù nhiều năm nay, TYT xã Ea Phê đã hợp đồng với nhân lực bên ngoài để duy trì hoạt động của phòng chẩn trị y học cổ truyền đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, nhưng chính việc hợp đồng với người ngoài trạm lại vô hình chung tạo nên những rào cản. Chia sẻ về việc này, y sĩ Bùi Văn Việt, Trạm trưởng TYT xã Ea Phê bộc bạch: “Do trạm không có nhân lực y học cổ truyền, chúng tôi đã hợp đồng với người bên ngoài, trước đây là lương y (còn nay là y sĩ y học cổ truyền) để thực hiện khám chữa bệnh bằng đông y cho người dân. Nói là hợp đồng nhưng thực chất chúng tôi đâu có trả lương cho họ mà tiền lương của họ tùy thuộc vào lượng bệnh nhân đến khám bệnh tại trạm, và như thế thì trạm đâu có thể quản lý họ được nên việc giám sát về chuyên môn cũng hạn chế. Theo Thạc sĩ Phạm Thành Quang, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Krông Pak: “Hiện nay, trong số 16 TYT của huyện chỉ có TYT xã Ea Kênh  và TYT xã Krông Buk có y sĩ y học cổ truyền trong biên chế.  Với 14 TYT còn lại đa số đều là các y sĩ được tập huấn ngắn hạn về đông y kiêm nhiệm công tác y học cổ truyền của trạm. Tuy nhiên, ngay cả y sĩ y học cổ truyền khi về công tác tại trạm muốn thực hiện được việc bắt mạch, bốc thuốc cũng cần phải được đào tạo thêm mới đáp ứng được yêu cầu công việc, huống hồ những người làm công tác kiêm nhiệm.”.

Vườn thuốc mẫu của Trạm y tế xã Ea Kênh có nhiều bảng ghi tên cây thuốc nhưng cây thuốc đã bị chết.
Vườn thuốc mẫu của Trạm y tế xã Ea Kênh có nhiều bảng ghi tên cây thuốc nhưng cây thuốc đã bị chết.

Có lẽ, những khó khăn kể trên không chỉ xảy ra ở riêng huyện Krông Pak mà là thực trạng chung của hầu hết các địa phương trong tỉnh. Rõ ràng, trong bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã quy định: xã đạt chuẩn quốc gia về y tế phải có tỷ lệ người dân tham gia chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền đạt thấp nhất từ 30% trở lên. Song, với tình hình hiện nay, để thực hiện được tiêu chí này với nhiều địa phương trong tỉnh là rất khó khăn, bởi thiếu nguồn nhân lực, thiếu dụng cụ trang thiết bị và nhất là nhiều loại thuốc đông y không được bảo hiểm y tế thanh toán. 

Vườn thuốc mẫu nghèo nàn

Cũng theo quy định trong bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã, TYT phải dành ít nhất 30 m2 để làm vườn thuốc mẫu và phải trồng đủ 60 loại cây thuốc với 9 nhóm thuốc. Đồng thời, tại mỗi loại cây thuốc phải có bảng ghi tên khoa học, tên thường gọi, bộ phận sử dụng và công dụng của cây thuốc. Tuy nhiên, theo quan sát tại nhiều TYT trên địa bàn, việc duy trì được vườn thuốc mẫu đúng quy định không hề đơn giản. Đơn cử như TYT xã Ea Kênh (huyện Krông Pak), mặc dù nằm ở địa bàn vùng nông thôn nhưng vườn thuốc mẫu của trạm còi cọc, héo úa, thậm chí có những loại cây thuốc chỉ còn trơ lại bảng tên. Y sĩ H’Lim Niê, cán bộ phụ trách y học cổ truyền của trạm cho biết: “Vào mùa mưa, vườn thuốc của trạm cũng có đủ 60 loại cây thuốc theo quy định, nhưng mùa khô thì lúc nhiều nhất chỉ có khoảng 40 loại thôi, hầu hết những loại cây ngắn ngày thì đều chết vì nắng và thiếu nước”. Các TYT ở địa bàn nông thôn đã vậy, với các TYT ở thành phố, việc duy trì vườn thuốc mẫu càng khó khăn hơn. Ở nhiều trạm, nhất là TYT các phường khu vực trung tâm thành phố, do đất đai hạn hẹp nên nhiều nơi không xây dựng được vườn thuốc mẫu, hoặc có thì diện tích cũng rất hạn chế. Thậm chí, ở một số trạm, cây thuốc nam được trồng trong chậu thay cho cây cảnh vừa để trang trí cho trạm, vừa có cây thuốc để khi cần có thể tuyên truyền, hướng dẫn cho dân.

Quả thực, để hoạt động khám chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền và để triển khai công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thuốc nam theo phương châm “thầy tại nhà, thuốc tại vườn” ở các trạm y tế được triển khai hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của y tế cơ sở, rất cần sự hỗ trợ, gỡ khó từ phía ngành chức năng.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.