Viêm ruột thừa thai kỳ cấp tính: Nguyên nhân và cách phòng tránh
17:17, 17/03/2014
Viêm ruột thừa thai kỳ (Appendicitis In Pregnancy) có tỷ lệ mắc bệnh 5-13%, có thể xảy ra vào bất kỳ giai đoạn nào của quá trình mang thai, phát sinh nhiều biến chứng nan y cho cả mẹ và bé, nhất là tình trạng viêm phúc mạc, gia tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non và nhiều hệ lụy khác nếu xuất hiện sau tháng thứ 6 của thai kỳ.
Nguyên nhân viêm ruột thừa cấp tính thai kỳ
Sự tắc nghẽn bên trong ruột thừa là nguyên nhân chính gây viêm ruột thừa. Đây là quá trình tích tụ của chất nhầy và khuẩn phát triển làm cho ruột thừa sưng lên dẫn đến nhiễm bệnh. Nếu viêm ruột thừa không được khắc phục kịp thời, có thể dẫn đến tình trạng vỡ gọi là viêm phúc mạc, làm mủ tràn ra đại tràng, gây áp xe trong ổ bụng, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được điều trị khẩn cấp. Sự tắc nghẽn bên trong ruột thừa cũng có thể gây nên bởi phân, ký sinh trùng hoặc do mô bạch huyết phình đại, viêm ruột vì bệnh Crohn và viêm loét đại tràng hoặc chấn thương vùng bụng.
Các triệu chứng viêm ruột thừa thai kỳ thường gặp
Sự nguy hiểm tăng gấp đôi khi viêm ruột thừa xảy ra ở phụ nữ mang thai bởi nó liên quan đến tính mạng của hai người. Xác định chính xác triệu chứng của bệnh, phân biệt rõ với những cảm giác thai kỳ đóng vai trò quan trọng. Triệu chứng ban đầu của viêm ruột thừa phải mất 4-48 giờ để phát triển, bao gồm:
- Đau âm ỉ xung quanh vùng rốn, sau đó gia tăng thành một cơn đau nhói ở vùng bụng bên phải phía dưới
- Xuất hiện tình trạng táo bón, tiêu chảy, hoặc chướng khí
- Đau bụng, buồn nôn và ói mửa
- Chán ăn
- Sốt nhẹ (37-39 độ)
Sau khi có các triệu chứng nói trên, bệnh chuyển sang giai đoạn tiến triển như đau ở phía bên phải bụng nếu dùng tay ép từ phía bên trái, sưng và rắn vùng bụng
Chẩn đoán
Do đang trong giai đoạn thai kỳ nên việc chẩn đoán viêm ruột thừa gặp nhiều khó khăn bởi trạng thái của cơ thể luôn thay đổi. Xuất hiện một số hiện tượng như buồn ngủ, buồn nôn, chóng mặt và mất cảm giác ngon miệng, có thể xảy ra tình trạng đau chuyển dạ giả. Qua các nghiên cứu và kinh nghiệm điều trị cho thấy các tế bào máu trắng ở nhóm mắc bệnh viêm ruột thừa cấp gia tăng. Ngoài ra, bệnh viêm ruột thừa thai kỳ cũng giống như ở các ca viêm ruột thừa thông thường nên rất dễ bị nhầm lẫn hoặc chẩn đoán không chính xác. Trong giai đoạn thai kỳ, các biểu hiện lâm sàng và đánh giá chẩn đoán viêm ruột thừa cũng tương tự như ở những người không mang thai, trọng tâm đến một số yếu tố sau:
• Tỷ lệ viêm ruột thừa thai kỳ thường tập trung ở giai đoạn mang thai từ tháng thứ 6 trở ra, nguy cơ vỡ xảy ra ở mức độ cao trong 3 tháng cuối cùng.
• Các triệu chứng phổ biến nhất của viêm ruột thừa thai kỳ là đau hạ sườn bên phải phía dưới và ruột thừa thường "di cư" một vài cm do tử cung lớn dần.
- Áp dụng phương pháp chẩn đoán phân biệt: Chẩn đoán phân biệt ở đây trọng tâm đến các nguyên nhân gây đau bụng ở những người không mang thai và người đang mang thai, so sánh tìm ra sự khác biệt ở nhóm thai kỳ, chẳng hạn như hội chứng vòng dây chằng, đau đẻ, mang thai ngoài tử cung hay vỡ tử cung... Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến hiện tượng xuất huyết tử cung, hiện tượng bong và vỡ tử cung cũng như mối liên quan của các hiện tượng này cho tới nhịp tim bất thường của thai nhi.
Giải pháp điều trị
Nếu tình nghi bị ruột thừa thì nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện để khám và điều trị, đặc biệt là ngăn ngừa hiện tượng vỡ ruột thừa. Bác sĩ có thể phẫu thuật bằng nội soi hoặc phẫu thuật mở, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Cả hai thủ tục phẫu thuật nói trên đều được xem là an toàn và có hiệu quả ngang nhau. Trong quá trình phẫu thuật, cố gắng tránh đụng chạm đến tử cung để giảm nguy cơ gây co bóp tử cung. Đặc biệt phải thận trọng để tránh cắt nhầm buồng trứng. Nếu là túi mủ ruột thừa (áp xe) hoặc phúc mạc viêm do ruột thừa vỡ mủ thì cần mổ cắt bỏ ruột thừa, rửa ổ bụng và dẫn lưu. Sau khi mổ, cần phải dùng kháng sinh để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm và giúp sản phụ phục hồi nhanh và hạn chế các biến chứng gây sinh non.
Khắc Hùng (
Theo Parenting- 3/2014)
Ý kiến bạn đọc