Multimedia Đọc Báo in

7 thói quen nhằm cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi

08:39, 11/04/2014
Bệnh sa sút trí tuệ nguy hiểm không kém gì những căn bệnh khác nên việc phòng tránh là rất quan trọng. Dưới đây là 7 khuyến cáo được xem như "kim chỉ Nam" đã được chứng minh qua các nghiên cứu khoa học.
 
1. Duy trì cuộc sống vận động, năng luyện tập

Đối với nhóm người trên 50 tuổi, duy trì cuộc sống vận động không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn tốt cả cho sức khỏe tinh thần, giúp cải thiện trí nhớ. Theo nghiên cứu do các chuyên gia Đại học Texas-Dallas (Mỹ) thực hiện và công bố cuối năm 2013, chỉ sau 6 tuần luyện tập, tâm tính của nhóm người trên 50 đã được cải thiện rõ rệt so với nhóm người tĩnh tại, ít vận động. Các môn thể thao được tập luyện thường xuyên sẽ đem lại hiệu quả cao như: đi xe đạp, đi bộ nhanh tại chỗ, hay chạy bộ trên máy… với tần suất mỗi tuần tập 3 lần, mỗi lần 1 giờ.

2. Sử dụng rượu vang điều độ

Để cải thiện trí nhớ ở nhóm người trung cao tuổi, mỗi bữa nên uống 1 chén rượu vang nhỏ hay một cốc bia, nhưng chỉ nên dùng trong giới hạn có lợi, không được lạm dụng sẽ gây phản tác dụng. Theo một nghiên cứu gần đây ở nhóm người đàn ông trung tuổi, các nhà khoa học phát hiện, nếu uống trên 2 bữa rượu/ngày sẽ gây giảm trí nhớ và nhận thức ngay sau 6 tuần dùng rượu; trong khi đó những người uống rượu điều độ lại có tác dụng ngược lại. Ngoài ra, uống rượu vang điều độ còn tác dụng giúp ăn ngon miệng và giúp máu lưu thông tốt.

3. Không nên bỏ qua giấc ngủ trưa

Theo nghiên cứu của các chuyên gia ở Đại học Y khoa Havard (Mỹ), giấc ngủ trưa chất lượng không kém gì đồ ăn thức uống; nó giúp giảm căng thẳng, lo âu, cải thiện tâm trí, giảm ngáp vặt và giúp con người minh mẫn hơn. Ngay cả những người trẻ tuổi, học sinh sinh viên nếu được ngủ trưa thì chất lượng học tập thông qua kết quả bài thi cũng sẽ tốt hơn so với nhóm không ngủ. Đặc biệt, ở nhóm người trung cao niên giấc ngủ còn giúp củng cố trí nhớ, ít lú lẫn hơn so với nhóm người không ngủ trưa.

4. "Đa dạng hóa" cuộc sống

Theo nghiên cứu của Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NIH), việc đa dạng hóa cuộc sống, phát huy tính sáng tạo, phá bỏ thói quen nhàm chán sẽ có tác dụng giúp não trẻ hóa, nhớ được nhiều thông tin hơn và làm chậm quá trình lão hóa ở người già. “Đa dạng hóa” cuộc sống có thể từ việc ăn uống đa dạng, không áp dụng thực đơn ngày nào cũng giống ngày nào, giao tiếp cộng đồng, thử nghiệm một sở thích mới, đi du lịch cho đến tham gia những môn thể thao mới lạ.. Ngoài ra việc tiếp xúc với môi trường mới cũng là liều thuốc tốt giúp não trẻ hóa và cập nhật được nhiều thông tin bổ ích.

5. Tăng cường thực đơn rau xanh, trái cây

Theo một nghiên cứu của Đại học Y khoa Harvard, những phụ nữ có thói quen ăn nhiều rau xanh, trái cây, đặc biệt rau xanh dạng lá thì trí nhớ ít bị suy giảm hơn so với nhóm ít ăn những thực phẩm này. Các loại rau xanh, trái cây giàu hóa chất phytochemicals, có tác dụng kích thích tế bào não hoạt hóa như: rau bina, cải xoăn, tỏi tây, súp lơ, bắp cải...

6. Ngồi thiền

Theo nghiên cứu của Đại học California (Mỹ), nếu mỗi tuần ngồi thiền 45 phút, trí nhớ con người sẽ được cải thiện ngay sau 2 tuần luyện tập. Các nhà khoa học gọi đây là phương pháp chánh niệm (mindfulness), có hình thức thực hiện đơn giản, chi phí thấp và dễ luyện tập như thở sâu, lắng nghe âm thanh, thư giãn...

7. Dùng nhóm đồ uống có lợi cho trí não

Ngoài rượu vang, nhóm đồ uống khác như: chè, cà phê uống vào buổi sáng cũng có tác dụng kích thích trí nhớ. Theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cà phê có tác dụng gợi lại và lưu giữ thông tin rất hiệu quả. Cụ thể, những người dùng dưới 200mg caffein (hợp chất có trong cà phê và các đồ uống khác) tương đương 1-2 tách cà phê thì kết quả các bài kiểm tra tốt hơn so với nhóm dùng giả dược (placebo Pill). Với kết quả nghiên cứu trên, giới ẩm thực khuyến cáo nhóm người trung cao niên không nên bỏ qua đồ uống này, nhưng chỉ nên dùng với liều lượng thích hợp, không được lạm dụng và nên dùng vào buổi sáng sẽ phát huy được tác dụng cao nhất.

Khắc Hùng (Theo HP -3/2014)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.