Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa sâu răng

08:10, 10/04/2014
Sâu răng là bệnh ở tổ chức cứng của răng làm tiêu dần các chất vô cơ ở men răng,  ngà răng và làm thành lỗ sâu răng. Sâu răng nếu không được điều trị có thể gây các biến chứng như viêm tủy răng, viêm quanh cuống răng với các cơn đau dữ dội.

Nguyên nhân sâu răng

Các loại vi khuẩn và đồ ăn dính quanh răng thường xuyên tiết ra chất keo để tự dính tụ với nhau tạo thành mảng bám răng. Mảng bám này tiết ra axít gây sâu răng, lâu ngày tạo thành cao răng, nằm ở phần lợi hay trên lợi tạo thành lỗ sâu. Sau khi men răng bị ăn mòn thành lỗ, vi khuẩn và thức ăn càng có điều kiện bám vào, axít càng được tạo ra nhiều hơn, tổ chức cứng (men và ngà răng) càng bị phá hủy, lỗ sâu được mở rộng, gây ra nhiều bệnh lý và dẫn đến rụng răng. Người Việt Nam có thói quen dùng bàn chải cứng, chải ngang nên hay bị mòn cổ răng, chân răng làm lộ ngà chân răng, ngà chân răng bị hở rất dễ bị sâu.

Ngoài ra do độ tuổi, sự bất thường của tuyến nước bọt (những người bị cắt bỏ tuyến nước bọt), bất thường bẩm sinh của răng có thể khiến cho nguy cơ mắc bệnh sâu răng tăng cao và bệnh phát triển nhanh.

Biểu hiện của sâu răng

Răng bị ê, buốt khi có kích thích bởi các yếu tố nóng, lạnh, chua, cay, ngọt, hết nguyên nhân kích thích thì dẫn đến đau. Nếu lỗ sâu răng còn nhỏ thì không cảm thấy đau buốt; khi lỗ sâu tiến sát đến tủy răng sẽ bị viêm gây đau tủy răng từng cơn. Có nhiều kiểu sâu khác nhau như sâu ở chân răng, sâu ở rãnh, trên mặt nhai hoặc cổ răng. Khi phát hiện bị sâu răng cần đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị sớm bằng cách nạo sạch ngà mủn, sát khuẩn lỗ sâu và hàn kín để bảo tồn răng.

Nếu sâu răng không được điều trị có thể gây ra những biến chứng như viêm tủy răng, viêm quanh cuống răng làm cho ăn uống khó khăn, ngủ không ngon vì các cơn đau răng. Sâu răng còn có thể gây viêm mô, viêm hạch, đôi khi viêm lan rộng gây nhiễm khuẩn huyết học hoặc làm tăng những bệnh toàn thân sẵn có.

Biện pháp  điều trị và phòng ngừa sâu răng

Các lỗ sâu của răng vĩnh viễn cần được làm sạch hết ngà mủn và trám lại. Răng bị tổn thương tủy cần được điều trị tủy rồi phục hồi răng.

Để phòng sâu răng nên đánh răng sạch sẽ sau bữa ăn và trước khi đi ngủ hoặc ít nhất một lần trong ngày sau bữa ăn tối để cắt nguồn thức ăn của vi khuẩn, không cho chúng tạo thành mảng bám; hạn chế ăn vặt, nhất là ăn đồ ăn ngọt; không ăn thức ăn có nhiều đường vào buổi tối. Nên đánh răng đúng cách bằng bàn chải lông mềm; đánh mặt ngoài, mặt trong, mặt nhai trên và dưới; chải kỹ rìa lợi và cổ răng. Không nên đánh răng quá mạnh vì như vậy sẽ làm mòn các lớp men răng, gây rách lợi. Không nên kéo ngang bàn chải vì như thế răng dễ bị mòn, lợi bị tổn thương lại không sạch. Đánh cẩn thận tất cả các bề mặt của răng. Những răng mọc lệch nên chỉnh lại cho đúng vị trí vì răng bị mọc lệch bám thức ăn nhiều hơn làm tăng nguy cơ sâu răng.

Nên tập cho trẻ thói quen đánh răng ngay từ khi còn nhỏ (2-3 tuổi), súc miệng ngay sau khi ăn. Dùng nước chứa flo, kem đánh răng có chứa flo sẽ giảm 30% sâu răng. 3-4 tháng nên thay bàn chải đánh răng một lần. Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện răng sâu và chữa trị kịp thời.

 Hồng Vân 


Ý kiến bạn đọc