Phòng bệnh dại mùa nắng nóng
Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, năm 2013 Dak Lak có 1 trường hợp mắc và tử vong do lên cơn dại, 1.455 trường hợp đến tiêm ngừa tại các điểm tiêm chủng trong tỉnh do bị súc vật cắn. Thạc sĩ Mai Thị Phước Loan, Phó Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm - Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh cho biết: “Bệnh dại xuất hiện quanh năm, tuy nhiên vào thời điểm trời nắng, nóng bệnh dại tăng nhanh đột biến. Chỉ mới 2 tháng đầu năm 2014 đã có 670 trường hợp bị chó (nghi bị dại) cắn đến các điểm tiêm chủng để tiêm phòng vắc xin dại, gần bằng một nửa số người tiêm phòng năm 2013”.
Vi-rút dại xuất hiện trong nước dãi của chó hoặc mèo trong khoảng thời gian từ 10-15 ngày trước khi con vật bị phát bệnh. Do vậy, tại thời điểm này nếu người bị chó, mèo cắn, liếm hoặc tiếp xúc trực tiếp với con vật thì rất dễ bị lây nhiễm vi-rút dại; đặc biệt trong thời gian đầu, do con vật chưa có triệu chứng lâm sàng, người bị súc vật cắn thường bỏ qua mà không chú ý đề phòng, không tiêm ngừa vắc-xin dại dẫn đến khả năng mắc bệnh dại rất cao. Thời gian ủ bệnh từ 10-15 ngày, hoặc có khi lâu hơn; sau đó người bệnh có cảm giác đau đầu, sốt, khó chịu và bắt đầu có cảm giác sợ gió, tiếng động mạnh… Bệnh tiến triển khiến người bệnh bị liệt, có cơn điên cuồng hoặc bị co giật và dẫn đến tử vong.
Để phòng bệnh dại, người bị chó, mèo nghi dại cắn phải rửa kỹ vết thương ngay bằng xà phòng đặc, nước muối hòa đặc, rửa dưới vòi nước sạch liên tục… sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn để giảm tối thiểu lượng vi-rút xâm nhập. Nếu xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng vi-rút dại phát tán càng hiệu quả. Chú ý vết thương không nên băng kín và nhanh chóng đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và tiêm ngừa kịp thời. Trong những trường hợp khi bị chó, mèo cắn thì cần phải theo dõi chặt chẽ con vật, nếu thấy con vật có biểu hiện không bình thường như: ốm, bỏ ăn, lên cơn dại, chết, mất tích, bị bán hoặc mổ thịt… thì người bị vật cắn cần phải tiêm phòng ngay. Nếu sau 15 ngày kể từ khi người bị con vật cắn mà con vật đó vẫn sống bình thường thì không cần tiêm phòng.
Bên cạnh đó không nên tiếp xúc, vuốt ve, ôm các con vật nuôi xa lạ, vì có thể chúng sẽ cắn bất ngờ người tiếp cận chúng; tiêm ngừa 100% cho chó, mèo nuôi; không thả rông chó, mèo và nếu muốn thả rông thì nên đeo rọ mõm; diệt động vật, gia súc, gia cầm nghi bị súc vật dại cắn. Đối với người nghi bị súc vật dại cắn, cần phải tiêm ngay vắc-xin phòng dại. Khi tiêm cần lưu ý phải tiêm đủ liều, đúng thời gian quy định và tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế. Trong quá trình tiêm, không nên làm việc quá sức, không dùng chất kích thích, thuốc gây giảm miễn dịch; phụ nữ mang thai cần có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Mỹ Hạnh - Đình Thi
Ý kiến bạn đọc