Bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng
Tính từ đầu năm đến hết tuần thứ nhất của tháng 5-2014, Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột đã liên tục tiếp nhận và điều trị bệnh nhân tay chân miệng, trong đó điều trị nội trú hơn 30 trường hợp và điều trị ngoại trú gần 180 trường hợp. So với các bệnh khác như: sốt phát ban, thủy đậu, quai bị, sởi… thì bệnh nhân tay chân miệng chiếm cao nhất và có chiều hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2013.
Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng là trẻ em dưới 6 tuổi, thường gặp nhất là trẻ dưới 3 tuổi và chủ yếu lây lan từ cộng đồng do quá trình tiếp xúc giữa trẻ lành bệnh với trẻ bị bệnh. Cháu H’Mai Enuôl 14 tháng tuổi ở thôn 5, xã Cư Êbua (TP. Buôn Ma Thuột) hằng ngày ở nhà được bà nội chăm sóc và ít tiếp xúc với các trẻ khác trong thôn nhưng đột nhiên lại bị sốt. Gia đình đã nhanh chóng đưa cháu đến bệnh viện và được chẩn đoán là bị bệnh tay chân miệng. Cũng tương tự, cháu Đặng Thanh Ngọc 20 tháng tuổi ở thôn 5, xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) cũng mắc bệnh tay chân miệng sau khi tiếp xúc với một trẻ bị bệnh ở cùng thôn; ban đầu cháu Ngọc bị sốt kèm theo nổi bọng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, trong miệng rồi dẫn đến lan nhanh trên cơ thể.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Cao Hoàng Phong, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng như hiện nay là do yếu tố dịch tễ; bệnh thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 4 và cao điểm nhất là vào tháng 9 và tháng 12 hằng năm. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em, khi trẻ mắc bệnh nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng từ 7-10 ngày. Ngược lại, bệnh cũng có thể diễn biến nặng và gây biến chứng như: viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc lưu ý xử lý đúng cách phân của trẻ mắc bệnh là điều hết sức cần thiết, do bệnh tay chân miệng chủ yếu truyền qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với người bệnh…
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ các mụn nước trên cơ thể người bệnh. Song đến nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc xin điều trị đặc hiệu mà việc phòng bệnh vẫn là chính. Do đó, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng đúng cách, vệ sinh môi trường, nhà ở, các vật dụng và đồ chơi của trẻ bằng xà phòng và nước sạch, sau đó rửa lại bằng nước sát khuẩn thông thường. Đặc biệt, tránh tiếp xúc với người đang bị bệnh tay chân miệng và không dùng chung đồ dùng với bệnh nhân. Bên cạnh việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ thì các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ cũng cần lưu ý khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu: sốt, đau họng, nổi mụn nước ở trong miệng hoặc lòng bàn tay, bàn chân… thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hương Xuân – Đình Thi
Ý kiến bạn đọc