Sốt rét kháng thuốc lan rộng ra nhiều địa phương
Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc gây ra nhiều khó khăn cho điều trị đang có những diễn tiến khó lường.
Bệnh sốt rét đang quay trở lại trên địa bàn nhiều tỉnh của cả nước, đặc biệt là các khu vực rừng núi, vùng ven biển. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 6.643 trường hợp mắc sốt rét, trong đó có 16 ca sốt rét ác tính, 1 trường hợp tử vong do sốt rét.
Phân tích của Cục Y tế Dự phòng cho thấy, ký sinh trùng sốt rét đang phân bố chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên (41,5%), miền Trung (37,3%). So với cùng kỳ năm 2013, sốt rét giảm 40%, bệnh có ký sinh trùng sốt rét giảm 43%, tử vong giảm 1 trường hợp. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất đối với căn bệnh sốt rét hiện nay là tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Năm 2009, lần đầu tiên ngành Y tế phát hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc tại tỉnh Bình Phước. Đến nay, tình trạng sốt rét kháng thuốc đã lan rộng, đến cuối tháng 4- 2014 đã có thêm 3 tỉnh Gia Lai, Quảng Nam và Đắc Nông ghi nhận sốt rét kháng thuốc.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên phun hóa chất diệt muỗi và phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng bệnh sốt rét. Ảnh minh họa |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng sốt rét kháng thuốc là khả năng một chủng ký sinh trùng có thể sống sót và phát triển mặc dù bệnh nhân đã được điều trị và hấp thu một lượng thuốc, hoặc trong máu bệnh nhân đã có nồng độ thuốc mà trước đây vẫn ngăn cản và diệt được ký sinh trùng số rét đó. Loại thuốc bị kháng tại các địa phương của Việt Nam hiện nay là artemisinin, vốn được coi là hiệu quả nhất trong điều trị sốt rét. Ngoài ra, hiện tượng kháng thuốc cũng xuất hiện ở một số loại thuốc điều trị sốt rét thế hệ mới. Bình thường, chỉ điều trị 3 ngày là hết, nhưng nay phải tăng số ngày điều trị và phải phối hợp với các loại thuốc khác, giải pháp điều trị một loại thuốc như trước không mang lại hiệu quả.
Cục Y tế Dự phòng nhận định, mặc dù sốt rét đã liên tục giảm trong những năm gần đây, tuy nhiên do việc xuất hiện sốt rét kháng thuốc tại một số địa phương đang gây khó khăn cho công tác điều trị bệnh. Bên cạnh đó, nhiều người lao động Việt Nam từng làm việc tại các nước có sốt rét lưu hành cao như Lào, Campuchia, Ăng Gô La, Công Gô… trở về nước đã mang theo mầm bệnh gây khó khăn cho việc kiểm soát, tăng nguy cơ phát tán bệnh sốt rét trong cộng đồng.
Để hạn chế nguy cơ sốt rét tái xuất hiện và lây lan, ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống như: thường xuyên ngủ màn, mặc áo dài tay khi đi làm nương rẫy, sử dụng thuốc bôi da chống muỗi, các hóa chất diệt muỗi, phát quang bụi rậm quanh nhà, giữ gìn nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ… Khi bị nhiễm bệnh cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ để tránh tình trạng ký sinh trùng gây bệnh sốt rét kháng thuốc.
K.O (nguồn SK&ĐS)
Ý kiến bạn đọc