Multimedia Đọc Báo in

Không nên coi nhẹ việc bổ sung i-ốt cho cơ thể

09:28, 05/11/2014
Hiện nay, trên thị trường bán rất nhiều loại gia vị dùng để chế biến cho bữa ăn hằng ngày vừa tiện lợi, vừa rẻ lại giúp cho món ăn trở nên hấp dẫn và ngon như gia vị dùng nấu thịt kho, cá kho, nấu canh chua… hoặc chỉ dùng bột nêm, bột canh để chế biến món ăn thay cho muối i-ốt. Chính thói quen sử dụng gia vị của các bà nội trợ có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt i-ốt trong khẩu phần ăn của gia đình.

Sự cần thiết của i-ốt:

I-ốt là điều kiện cơ bản để tổng hợp hormon tuyến giáp, nhờ các hormon này giúp cho tuyến giáp bảo đảm được hoạt động của nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như duy trì thân nhiệt, bảo đảm quá trình chuyển hóa để tạo ra năng lượng cho cơ thể, phát triển xương, phát triển bộ não và hệ thần kinh trong thời kỳ bào thai. Các chuyên gia về nội tiết học cho rằng, ở một cơ thể khỏe mạnh chứa 15-20 mg i-ốt, trong đó 70-80% được dự trữ ở tuyến giáp, tương đương với nhu cầu i-ốt tối thiểu cần có của con người trong 3 tháng, “kho dự trữ” này được bổ sung thường xuyên. Cơ thể hấp thu i-ốt chủ yếu qua thức ăn, nước uống và nguồn không khí. Suốt cuộc đời mỗi người chỉ cần một thìa cà phê i-ốt nhưng nó cần được đưa vào cơ thể hằng ngày. Mỗi ngày chúng ta chỉ cần ăn một hàm lượng muối i-ốt nhất định, nếu thừa i-ốt cơ thể sẽ tự điều hòa, đào thải qua đường nước tiểu.

I-ốt có sẵn trong thiên nhiên chủ yếu là nước biển, dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời, i-ốt trong nước biển bị phân hủy thành iôdua và bốc hơi. Khi mưa i-ốt theo nước mưa vào đất, nhưng số i-ốt theo mưa bổ sung vào đất ít hơn rất nhiều so với số i-ốt bị xói mòn trong đất. Thực phẩm nuôi trồng ở vùng thiếu i-ốt sẽ bị thiếu i-ốt. Một số hải sản như: cá biển, tôm, cua có nhiều i-ốt nhưng iốt sẽ bị mất khi chế biến như khi luộc cá 50% số iốt bị mất, rán cá 20% i-ốt bị mất.

Tác hại do thiếu i-ốt:

 Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay thiếu i-ốt là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương não. Thiếu i-ốt có thể gây hại tới sức khỏe ở mọi lứa tuổi nhưng lứa tuổi dễ bị nhất là thời kỳ bào thai và trẻ nhỏ: Ở thời kỳ bào thai, sự phát triển của thai nhi phụ thuộc vào hormon tuyến giáp của người mẹ, dinh dưỡng sẽ ngấm qua nhau sang thai nhi. Hormon này rất quan trọng đối với sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh, thiếu i-ốt ở 2 tháng đầu thời kỳ mang thai trẻ sinh ra sẽ bị câm, điếc, đần độn, bướu cổ, thiểu năng giáp… Hay gặp nhất là đần độn thể nhẹ: trẻ chậm lớn (lùn), chậm phát triển trí tuệ, học tập kém, lao động kém. Thiếu i-ốt còn gây một loạt các bệnh khác cho thai phụ: thai chết lưu, đẻ non, sảy thai… Ở tuổi dậy thì, thiếu i-ốt thường gây bướu cổ, các biến chứng của bệnh bướu cổ, thiểu năng giáp.

Phòng bệnh do thiếu i-ốt:

Để đề phòng các bệnh do thiếu i-ốt có nhiều phương pháp khác nhau nhưng hiện nay trộn i-ốt vào muối ăn là biện pháp được sử dụng rộng rãi và đạt hiệu quả nhất. Trộn i-ốt vào muối với một lượng rất nhỏ đủ để cung cấp đều đặn hàng ngày cho mọi người, không phải nhớ như khi dùng thuốc. Trộn i-ốt vào muối cũng không làm thay đổi lý tính của muối, không thay đổi mùi vị của muối và tất cả mọi người đều sử dụng được.

Cách sử dụng muối:

Khi mua muối i-ốt cần chú ý: Chọn túi muối có in nhãn mác rõ ràng, bao bì không bị rách.

Khi sử dụng thấy muối khô ráo, không bị ẩm ướt, ngửi không thấy mùi vị dù đã trộn i-ốt.

Bảo quản muối i-ốt: Cho vào hộp có nắp đậy, để nơi khô ráo, thoáng mát (tránh để quá gần bếp lửa hay nơi có ánh nắng chiếu vào trực tiếp).

Sử dụng muối i-ốt như muối bình thường kể cả dùng muối i-ốt muối dưa, cà.

Mỗi người, mỗi gia đình hãy sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn hằng ngày giúp phòng chống các bệnh do thiếu i-ốt gây ra, nhằm bảo đảm cho sức khỏe bản thân và thế hệ tương lai.

  Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc