Multimedia Đọc Báo in

Bệnh dịch hạch và cách phòng chống

17:12, 10/12/2014
Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế.
 
Bệnh do trực khuẩn Yerinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng; từ đó bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn. Nghĩa là, đường lây truyền của vi khuẩn dịch hạch từ chuột sang người không qua vết chuột cắn, mà qua bọ chét hút máu người. Bọ chét hút máu chuột, sau đó hút máu người thì sẽ lây truyền bệnh. Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Bệnh dịch hạch ở người gồm các thể bệnh: thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não, nhưng hay gặp là thể hạch (chiếm hơn 90% các thể bệnh).

Biểu hiện của dịch hạch thể hạch: Thời gian ủ bệnh từ 2-6 ngày, sau đó người bệnh sốt cao đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và đau đầu, tiêu chảy. Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch, thường ở vùng bẹn, nách, cổ. Hạch có thể to bằng ngón tay cái hoặc bằng quả trứng gà, lúc đầu đau và cứng chắc, sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch. Thể hạch có thể tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn huyết, thể phổi hoặc viêm màng não thứ phát. Nếu không được điều trị sớm và thích hợp, thể hạch rất dễ tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp với sốt cao 40-410C, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, thường bệnh nhân chết trong vòng 3-5 ngày.

Để chủ động phòng, chống bệnh dịch hạch, ngăn chặn kịp thời không để lan truyền ở Việt Nam, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần kiểm tra, giám sát dịch hạch trên động vật hoang dã, tập trung giám sát vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, bọ chét) tại vùng có nguy cơ. Phối hợp với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu kiểm tra, giám sát chặt chẽ y tế đối với người, kiểm tra phương tiện vận chuyển, hàng hóa, động vật nhập khẩu vào nước ta, đặc biệt tăng cường kiểm tra, giám sát đối với người, phương tiện, hàng hóa nhập cảnh từ vùng đang lưu hành bệnh dịch hạch tại cửa khẩu, khu vực biên giới. Tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở sạch sẽ, bảo đảm thực phẩm ăn, uống được che, đậy an toàn, tránh để chuột, bọ chét tiếp xúc, thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét hiệu quả. Trường hợp người dân phát hiện thấy có dấu hiệu nhiều chuột chết khả nghi dịch hạch, đề nghị báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất. Nếu có người nhà, hàng xóm biểu hiện bệnh dịch hạch (sốt, nổi hạch...) phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.