Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh: Phát hiện và điều trị thành công nhiều trường hợp mắc bệnh sốt mò

09:19, 09/12/2014
Thống kê của Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho thấy, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận trên 100 trường hợp mắc bệnh sốt mò. Tất cả các trường hợp mắc bệnh vào viện đều được điều trị thành công.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Toàn, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, bệnh sốt mò có các biểu hiện lâm sàng là sốt cao liên tục, đau đầu nhiều, phát ban da, xung huyết kết mạc, sưng hạch vệ tinh, người mệt mỏi, đặc biệt có vết loét đặc trưng nơi mò đốt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh này dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: viêm gan cấp, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não màng não, sốc nhiễm khuẩn dễ dẫn đến tử vong.  Tuy nhiên, do triệu chứng của bệnh có sốt cao nên rất dễ nhầm với các bệnh: sốt xuất huyết Dengue, sốt rét, sốt siêu vi, thương hàn, sốt Rubella… Bác sĩ Toàn chia sẻ: “Hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh sốt mò khi đến Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã sốt nhiều ngày, người mệt nhiều và trước đó đã tự dùng một số loại thuốc, thậm chí một số bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi với các chẩn đoán khác nhau nên được cho dùng nhiều loại thuốc. Do đó, khi tiếp nhận, những bệnh nhân sốt cao hoặc sốt kèm nổi hạch chúng tôi đều nghĩ đến sốt mò và thăm khám kỹ lưỡng để tìm vết loét. Với những trường hợp sốt chưa rõ nguyên nhân sẽ được chỉ định làm xét nghiệm chẩn đoán sốt mò (Scrub typhus test nhanh) để xác định bệnh. Những trường hợp được chẩn đoán bị bệnh sốt mò sẽ được điều trị bằng thuốc Chloramphenicol, Doxycycline hoặc Azithromycin (đối với phụ nữ có thai) kèm theo hỗ trợ truyền dịch, hạ sốt để bù nước và điện giải, dùng thuốc vận mạch, thở oxy (với các bệnh nhân có suy tuần hoàn hô hấp)… Với các biện pháp này giúp bệnh nhân hết sốt nhanh chóng, không bị biến chứng và khỏi bệnh sau một thời gian ngắn”.

Bác sĩ Nguyễn Đình Toàn khám sàng lọc bệnh sốt mò.
Bác sĩ Nguyễn Đình Toàn khám sàng lọc bệnh sốt mò.

Bệnh sốt mò, hay còn gọi sốt phát ban bụi rậm (scrub typhus) là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên bởi vi khuẩn Orientia tsutsugamushi tồn tại ngoài thiên nhiên qua trung gian ấu trùng mò Leptotrombidium. Bệnh này lưu hành chủ yếu ở vùng Châu Á – Thái Bình Dương, từ vùng khí hậu ôn đới đến nhiệt đới; từ đồng bằng, ao hồ, sông suối đến vùng trung du, miền núi; từ nông thôn đến ngoại ô thành phố nhưng hiếm thấy trong thành phố nên sốt mò còn được gọi là “bệnh của vùng nông thôn”. Ở Việt Nam, bệnh sốt mò dường như có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và đang có xu hướng gia tăng mạnh. Với Dak Lak, một tỉnh miền núi có nhiều sông suối, rừng cây, bụi cỏ và có nhiều loài gặm nhấm, là điều kiện tốt để ấu trùng mò sinh sống và phát triển, lan truyền bệnh. Ấu trùng mò hay đốt người ở những vùng da mỏng, mềm, có nếp nhăn. Khi đốt nó tiêm một chất lỏng làm phân hủy mô xung quanh để có thể hút các phần mô bị hóa lỏng làm chất dinh dưỡng. Ấu trùng mò nhiễm Orientia tsutsugamushi sẽ truyền vi khuẩn sang cho động vật hoặc người khi hút máu. Người sau khi bị ấu trùng mò đốt, vi khuẩn Orientia tsutsugamushi phát triển và nhân lên tại chỗ gây viêm, phá hủy biểu mô da tạo thành nốt loét. Sau một thời gian ủ bệnh, chúng xâm nhập vào máu và vào các tế bào nội mạc mạch máu, ở đó chúng sinh sản và phát triển tạo ra các biến đổi tại mạch máu, gây viêm, xung huyết và phát ban, hạch vệ tinh sưng, hoại tử trung tâm của hạch, thậm chí có thể sưng hạch toàn thân.

Trước tình trạng bệnh sốt mò đang có xu hướng gia tăng, bác sĩ Nguyễn Đình Toàn khuyến cáo: Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi râm mát có bụi rậm và cây thấp. Do đó, để phòng bệnh sốt mò, khi đi làm ruộng, làm rẫy, đi rừng, người dân cần phải mặc quần áo dài tay, đeo tất tay, mang giày cao cổ, gài ống áo, ống quần vào trong tất; không nằm trên cỏ, không phơi quần áo trên cỏ. Đồng thời, cần giữ gìn vệ sinh nơi ở, phát quang bụi rậm xung quanh nhà...

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.