Chăm sóc răng miệng tại nhà
Trong cuộc đời mỗi người răng được hình thành và phát triển qua 2 giai đoạn: Giai đoạn hình thành răng sữa và giai đoạn hình thành răng vĩnh viễn. Răng sữa gồm 20 răng, bắt đầu hình thành từ khi trẻ còn trong bào thai, khi trẻ ra đời được 6 tháng tuổi thì bắt đầu mọc răng sữa và đến 24 tháng tuổi thì trẻ hoàn thiện bộ răng. Còn mầm răng vĩnh viễn bắt đầu hình thành khi trẻ được 6 tháng tuổi và lúc trẻ được 6 tuổi thì răng vĩnh viễn bắt đầu mọc thay thế dần các răng sữa. Đến 12 tuổi hàm răng mỗi người gần như đã hoàn thiện khoảng 28 chiếc răng, riêng răng cùng (răng khôn) mọc khi chúng ta khoảng 18 - 25 tuổi.
Chăm sóc răng sữa: Mầm răng sữa bắt đầu hình thành từ những tháng cuối của thai kỳ đến khi trẻ sinh ra được vài tháng. Vì vậy trong giai đoạn mang thai và cho con bú người mẹ cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng để bảo đảm răng của trẻ được phát triển tốt, cần bổ sung những thực phẩm giàu canxi. Cho trẻ đi khám răng định kỳ để được theo dõi và kiểm tra sức khỏe.
Để răng sữa của trẻ không bị sâu sớm các bà mẹ cho trẻ bú sữa mẹ, không kéo dài thời gian bú sữa bình, không cho trẻ ăn chế độ ăn quá nhiều chất đường. Giữ sạch răng miệng cho trẻ bằng cách, dùng gạc sạch quấn vào ngón tay và lau sạch răng cho trẻ sau khi cho trẻ bú và ăn để tạo thói quen cho trẻ trong việc chải răng sau này. Trẻ được 2- 3 tuổi cần tạo thói quen đánh răng cho trẻ.
Đối với răng vĩnh viễn: Tạo thói quen chải răng sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Tối thiểu nên chải răng vào buổi tối trước khi đi ngủ và sáng dậy. Sau những bữa ăn phụ nên súc miệng nhiều lần để giúp làm sạch răng và nướu. Nên đánh răng đúng cách bằng bàn chải lông mềm: đánh mặt ngoài, mặt trong, mặt nhai trên và dưới, chải kỹ rìa lợi và cổ răng. Không nên đánh răng quá mạnh vì như vậy sẽ làm mòn các lớp men răng, gây rách lợi. Không nên kéo ngang bàn chải vì như thế răng dễ bị mòn, lợi bị tổn thương lại không sạch. Đánh cẩn thận tất cả các bề mặt của răng. Những răng mọc lệch nên chỉnh lại cho đúng vị trí vì răng bị mọc lệch sẽ bị bám thức ăn nhiều hơn, làm tăng nguy cơ sâu răng. Hạn chế sử dụng những thực phẩm giàu đường và hạn chế ăn quà vặt, nhất là ăn đồ ăn ngọt; không ăn thức ăn có nhiều đường vào buổi tối. Dùng nước chứa flo, kem đánh răng có chứa flo sẽ giảm 30% sâu răng.
Chúng ta thường có thói quen sử dụng tăm để lấy thức ăn dính ở kẽ răng. Việc sử dụng tăm xỉa răng phải thật cẩn thận để tránh làm trầy xước nướu. 3-4 tháng nên thay bàn chải đánh răng một lần. Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện răng sâu và chữa trị kịp thời.
Ngoài việc làm sạch răng và nướu cũng cần chú ý đến việc làm sạch lưỡi. Vì lưỡi dơ sẽ chứa nhiều vi khuẩn có thể làm sâu răng, viêm nha chu và gây hôi miệng.
Đối với trẻ nhỏ, cần để ý đến trẻ nhằm ngăn chặn những thói quen có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của hàm răng. Những thói quen này rất bình thường nhưng nếu lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ của gương mặt. Có thể kể đến các thói quen xấu như: mút ngón tay và núm vú, tật đẩy lưỡi ra phía trước; những thói quen này nếu kéo dài sẽ làm hô hàm trên (răng cửa hàm trên nhô ra, răng cửa hàm dưới thụt vào) làm lệch khớp cắn. Hoặc thở bằng miệng sẽ làm khô niêm mạc, làm lệch lạc răng và dễ nhiễm trùng đường hô hấp. Những thói quen chống cằm, mút môi trên, cắn móng tay, nghiến răng, cắn các vật cứng… cũng có thể gây món hàm dưới, làm răng bị mòn, mẻ răng.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc