Multimedia Đọc Báo in

Những nỗ lực phòng chống bệnh tay chân miệng ở huyện M'Drak

11:40, 12/12/2014
Những năm gần đây, tại Việt Nam bệnh tay chân miệng (TCM) trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt năm 2013 bệnh TCM đã bùng phát ở một số huyện của tỉnh. Tại huyện M’Drak, trong 2 năm gần đây đều xuất hiện các trường hợp mắc TCM,  năm 2013 có 52 ca mắc bệnh, năm 2014 tính đến thời điểm hiện nay toàn huyện có 44 ca mắc bệnh và xuất hiện tại 13/13 xã, thị trấn.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh TCM, ngay từ những ngày đầu năm 2014, Trung tâm Y tế huyện M’Drak đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh TCM từ huyện đến cơ sở, chú trọng công tác phòng bệnh. Theo đó, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm nhân lực, hậu cần, dự trù cơ sở vật chất, trang thiết bị, hóa chất CloraminB 2%, phương tiện bảo hộ, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến cơ sở về nghiệp vụ chuyên môn theo tài liệu của Bộ Y tế ban hành; kiểm tra các ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định từ đó có biện pháp cách ly, điều trị kịp thời, áp dụng các biện pháp xử lý ổ bệnh, bảo đảm không lây lan thành dịch. Trong năm 2014 đã thành lập được 4 tổ cấp cứu lưu động tại tuyến huyện (2 đội thuộc Trung tâm Y tế và 2 của Bệnh viện Đa khoa huyện), 13/13 trạm y tế xã, thị trấn có tổ cấp cứu lưu động. Đồng thời, để chủ động trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và đẩy mạnh các biện pháp phòng chống bệnh TCM tại các trường học và tại cộng đồng, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức các buổi tuyên truyền tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh TCM ở trường học trong chương trình y tế học đường; phối hợp với các ngành chức năng có liên quan triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân…

Bác sĩ Phạm Xuân Thủy, Trưởng Phòng Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa huyện M’Drak cho biết: Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa huyện đã tiếp nhận và điều trị khỏi cho 41 trẻ từ 1-3 tuổi và không có trường hợp bị tử vong do bệnh TCM gây ra. Để kịp thời chẩn đoán đúng bệnh và có hướng điều trị kịp thời, Bệnh viện đã xây dựng một quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh dựa theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh TCM do Bộ Y tế ban hành. Nhờ có quy trình tiếp nhận và điều trị này mà các bệnh nhân mắc bệnh TCM được theo dõi, điều trị rất chặt chẽ từ lúc vào viện đến khi ra viện…

Tại tuyến cơ sở, công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh TCM nói riêng cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo, đặc biệt, các trạm y tế cũng đã tham mưu cho UBND xã, thị trấn củng cố và kiện toàn ban chỉ đạo cấp cơ sở, chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh, triển khai thực hiện đến tận đội ngũ y tế thôn, buôn, tổ dân phố.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương, đến nay tình hình mắc bệnh TCM trên địa bàn huyện M’Drak vẫn nằm trong tầm kiểm soát và chưa xuất hiện các ổ bệnh lớn.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.