Stress trong cuộc sống và những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe
Đối với những tình huống stress tích cực sẽ giúp chúng ta phát triển tốt và thích ứng với hoàn cảnh một cách dễ dàng. Tuy nhiên, không phải tình huống nào cũng tạo cho chúng ta sự tích cực, có những tình huống làm cho chúng ta phải gồng mình lên chịu đựng, để đối phó nhưng cơ thể vẫn không tự điều chỉnh lại được làm cho chúng ta rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, lo âu. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc xảy ra trong một thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi ứng phó với những tình huống cũng làm cho nhịp tim, huyết áp… tăng lên hơn bình thường tạo nên sự hưng phấn cao của hoạt động thần kinh. Tất cả những biến đổi ấy đều dẫn đến sự biến đổi các quá trình tâm lý như cảm xúc, tư duy, chú ý… Như vậy những tác động của môi trường, thời tiết, tiếng ồn, bệnh tật… tác động đến chúng ta đều có sự tham gia của toàn bộ các chức năng trong cơ thể, trong đó có sự tham gia của hệ thần kinh trung ương. Những tác động tiêu cực nếu xảy ra thường xuyên hoặc kéo dài sẽ làm chúng ta bị suy nhược, kiệt sức dẫn đến thay đổi hoàn toàn nhịp sinh học bình thường của cơ thể, chẳng hạn như ở phụ nữ sẽ gây khó ngủ, mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt… và càng kéo dài càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh của hệ thần kinh, mạch máu… gây ảnh hưởng đến đời sống tâm lý và là nguyên nhân gây ra các bệnh tâm lý.
Trong những năm gần đây y học đã chứng minh hàng loạt căn bệnh xảy ra ở con người mà nguyên nhân không phải do rối loạn các chức năng mà do tâm lý (tâm thể) như suy nhược thần kinh, trầm cảm, mất ngủ… Stress không gây chết người một cách trực tiếp nhưng những cảm xúc tiêu cực này diễn ra liên tục, thường xuyên có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm như: suy nhược cơ thể, giảm khả năng miễn dịch, bệnh dạ dày, các bệnh tim mạch… Không chỉ vậy nó còn là điều kiện để các bệnh tâm lý phát triển, ảnh hưởng đến hoạt động sống bình thường của mỗi người. Khi bị stress những chức năng tâm lý trở lên bất thường như hay cáu gắt, lo âu, đau đầu, luôn cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, khó ngủ…
Do vậy, cần biết lắng nghe các cảm giác của cơ thể để nghỉ ngơi đúng lúc. Khi có biểu hiện của hội chứng suy nhược cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh kịp thời, giúp ngăn ngừa các sang chấn tâm lý, vừa để điều trị các căn bệnh.
Trong cuộc sống hằng ngày, đối với mỗi người stress là điều không thể tránh khỏi nhưng chúng ta cần biết điều chỉnh, cân bằng trạng thái của cơ thể để bảo vệ sức khỏe.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc