Suy giảm trí nhớ - Người trẻ cũng có thể mắc bệnh
Cuộc sống căng thẳng với những áp lực từ công việc ở cơ quan, gia đình khiến không ít người rơi vào tình trạng này. “Thủ phạm” của suy giảm trí nhớ là do các yếu tố:
Bệnh lý tâm thần: Đó là các bệnh như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu… làm giảm tập trung chú ý; bệnh tâm thần phân liệt có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở người trẻ. Bệnh kéo dài khiến hoạt động ngày càng yếu đuối đi đến chỗ không thiết làm công việc gì, khả năng lao động và học tập, chú ý, trí nhớ đều giảm.
Sau chấn thương sọ não: Hậu quả của chấn thương sọ não rất khác nhau, từ hồi phục hoàn toàn đến để lại các di chứng nặng nề về thần kinh và tâm thần.
Nhiễm khuẩn: Các bệnh lý hay gặp là viêm não, màng não do vi khuẩn, virút, viêm màng não lao, sốt rét ác tính thể não, giang mai não, HIV/AIDS…
Do nhiễm độc: Các chất độc thâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau, tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây ra tổn thương thần kinh và các rối loạn tâm thần rất đa dạng, cấp tính hoặc kéo dài.
Rượu và chất gây nghiện: Nghiện rượu làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thể chất, làm tổn thương đến các mối quan hệ gia đình và đời sống xã hội. Người nghiện thuốc phiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và trí nhớ.
Do stress: Tình trạng stress không chỉ gây ra những tác động xấu đối với cơ thể mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với trí nhớ, đặc biệt là phản ứng stress cấp tính. Một trong những nguyên nhân gây stress ở người trẻ là áp lực học tập.
Chậm phát triển tâm thần: Chậm phát triển tâm thần là một nhóm bệnh lý có biểu hiện sự sa sút tâm thần bẩm sinh hay mắc phải trong những năm đầu thời kỳ thơ ấu. Chậm phát triển tâm thần không phải là một bệnh mà là một trạng thái rối loạn của một bệnh nào đó để lại sự thiếu sót trong các hoạt động trí tuệ và khả năng thích ứng.
Động kinh: Động kinh là một bệnh mạn tính. Khi xảy ra những cơn động kinh, người bệnh có thể có những rối loạn vận động. Những hành vi đó có tính chất tự động, không mục đích và người bệnh sau đó không nhớ những gì xảy ra.
Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo cần nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh suy giảm trí nhớ để can thiệp từ gốc. Bệnh mới phát hiện sẽ đơn giản và ít tốn kém nhưng khi đã chuyển sang bệnh lý tâm thần thì việc điều trị vừa phức tạp, hiệu quả điều trị lại thấp. Người bệnh cần thay đổi lối sống, hạn chế áp lực, quên đi phiền muộn, tạo điều kiện nghỉ ngơi, tránh stress, giảm cân, hạn chế rượu bia, ăn uống đủ chất và thường xuyên rèn luyện trí lực bằng cách đọc sách, chơi trò chơi trí tuệ, học kỹ năng giao tiếp xã hội, cộng đồng.
Võ Quỳnh
Ý kiến bạn đọc