Multimedia Đọc Báo in

Mang ánh sáng đến cho bệnh nhân mù nghèo

10:00, 31/03/2015

Gần một tháng nay, nhiều người nghèo bị đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận đã được các y, bác sĩ của Bệnh viện Mắt Tây Nguyên khám, phẫu thuật, phát thuốc miễn phí để điều trị bệnh. Đây là hoạt động từ thiện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của bệnh viện, giúp nhiều người mù nghèo có cơ hội giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng.

Gặp ông Nguyễn Văn Lừng, 78 tuổi, ở Phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột bên ngoài sảnh chờ của Bệnh viện Mắt Tây Nguyên, niềm vui sướng hiện rõ trên gương mặt khi ông vừa được các y bác sĩ của bệnh viện khám và phẫu thuật mắt thành công. Gia đình ông có hoàn cảnh khó khăn, tuy đông con nhưng các con đều có gia đình riêng và kinh tế cũng chật vật. Vì vậy, dù mắt ông đã bị mờ do đục thủy tinh thể suốt 3 năm qua nhưng vẫn chưa có điều kiện để điều trị vì không có tiền. Ngày ngày, do đôi mắt mờ, chuyện tự lo sinh hoạt cá nhân với ông đã là khó khăn, nói gì đến chuyện phụ giúp con cháu. Ông tâm sự: "Sau khi được nghe UBND phường thông báo về đợt phẫu thuật mắt miễn phí của Bệnh viện Mắt Tây Nguyên, tôi đã tìm đến đây với mong mỏi cho đôi mắt được sáng trở lại. Nói thật, được mổ mắt miễn phí lần này với tôi cứ như là giấc mơ vậy. Nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của bệnh viện thì không biết đến bao giờ người bệnh nghèo như tôi mới nhìn rõ lại được thế này!".

 

Một ca phẫu thuật thay đục thủy tinh thể miễn phí cho người bệnh nghèo tại Bệnh viện Mắt Tây Nguyên.
Một ca phẫu thuật thay đục thủy tinh thể miễn phí cho người bệnh nghèo tại Bệnh viện Mắt Tây Nguyên.

Không chỉ có ông Lừng, những ngày này, Bệnh viện Mắt Tây Nguyên luôn có rất đông người bệnh tìm đến để tham gia chương trình khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí các bệnh về mắt cho người nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Khi được hỏi chuyện, nhiều người không thể cầm được nước mắt vì niềm vui không thể diễn đạt hết bằng lời sau nhiều năm chung sống với căn bệnh đục thủy tinh thể và có nguy cơ bị mù hẳn do không có tiền chữa trị. Với không ít người, được phẫu thuật tìm lại nguồn sáng cho đôi mắt giống như một câu chuyện cổ tích. Bà Hoàng Thị Chín, 56 tuổi, ở thôn 11 xã Ea Đar, huyện Ea Kar chia sẻ: "Mắt tôi bị mờ cũng phải đến hơn 2 năm rồi, càng ngày mắt càng mờ hơn. Có lần tôi đi khám ở bệnh viện huyện, bác sĩ bảo tôi bị đục thủy tinh thể, muốn chữa khỏi phải làm phẫu thuật. Thế nhưng, kinh tế gia đình khó khăn, thu nhập chỉ trông chờ vào nương rẫy, lo đủ cái ăn đã mừng lắm rồi, làm gì có tiền để điều trị căn bệnh ở mắt. Khi được thông báo đăng ký khám và mổ mắt miễn phí, cả gia đình tôi rất vui. Tôi luôn nghĩ, chẳng bao lâu nữa mình sẽ mù hẳn vì căn bệnh đục thủy tinh thể, nào ngờ lại được điều trị. Đến giờ đã mổ xong rồi mà tôi vẫn chưa hết hồi hộp, sung sướng. Hy vọng, ít ngày nữa, mắt bình phục hẳn, tôi có thể trở lại với công việc đồng áng, phụ giúp chồng con để tăng thu nhập cho gia đình".

Bác sĩ khám sàng lọc cho người bệnh trước khi phẫu thuật.
Bác sĩ khám sàng lọc cho người bệnh trước khi phẫu thuật.

Niềm vui của ông Lừng, bà Chín cũng là niềm vui chung của rất nhiều người có hoàn cảnh tương tự. Đa số bệnh nhân bị đục thủy tinh thể đều nghèo, không đủ tiền chữa trị, vì vậy, chương trình phẫu thuật mắt miễn phí được Bệnh viện Mắt Tây Nguyên triển khai lần này có ý nghĩa nhân văn hết sức to lớn, giúp làm thay đổi số phận của rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Bác sĩ CKII Trần Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Bệnh viện Mắt Tây Nguyên tâm sự: "Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế, mặc dù mới thành lập và còn nhiều khó khăn, nhưng bệnh viện luôn mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào công tác an sinh xã hội của địa phương, đặc biệt là trong việc giúp người mù nghèo tìm lại ánh sáng cho đôi mắt. Vì vậy, bệnh viện đã đề ra chủ trương thực hiện phẫu thuật mắt miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận nhân kỷ niệm ngày thành lập đơn vị vào tháng 3 hằng năm. Đợt phẫu thuật này là đợt đầu tiên được tổ chức vào dịp bệnh viện tròn 1 tuổi. Ban đầu chúng tôi dự định sẽ phẫu thuật cho khoảng 100 ca bệnh, song số bệnh nhân đăng ký lên đến 147 trường hợp, chúng tôi không biết chọn ai, bỏ ai nên điều trị cả". Cũng theo lãnh đạo bệnh viện, trong số 147 trường hợp được phẫu thuật lần này có 100 ca bệnh đục thủy tinh thể và 47 trường hợp còn lại mắc các bệnh khác về mắt như: sụp mi, quặm, mộng thịt, u mi, glocom... Tổng kinh phí thực hiện đợt phẫu thuật này khoảng 750 triệu đồng (kinh phí phẫu thuật và điều trị cho mỗi ca bệnh đục thủy tinh thể là 6 triệu đồng, còn mỗi ca bệnh khác là từ 2 đến 4 triệu đồng), trong đó phần lớn kinh phí là của Bệnh viện Mắt Tây Nguyên và một phần do bệnh viện vận động các công ty dược trong và ngoài tỉnh hỗ trợ.

Với một ai đó chẳng may mắt không còn nhìn thấy quả là điều bất hạnh. Còn khi sáng mắt, người già có thể tự chăm sóc bản thân để con cháu rảnh rang lo làm ăn và người trẻ có thể đổi đời với công việc tốt. Việc mang lại ánh sáng cho bệnh nhân, nhất là người nghèo rất có ý nghĩa vì đã giúp giảm đi gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đó cũng là mục đích mà đội ngũ cán bộ y, bác sĩ của Bệnh viện Mắt Tây Nguyên đang nỗ lực theo đuổi.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc