Multimedia Đọc Báo in

Tận tâm với người bệnh

14:32, 04/03/2015

22 năm gắn bó với nghề Y, bác sĩ Phạm Phú Cường, Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh luôn tận tâm cứu chữa bệnh nhân, giành lại sự sống cho nhiều người.

Sau khi tốt nghiệp khoa Y, Trường Đại học Tây Nguyên với tấm bằng đỏ, năm 1992 bác sĩ Phạm Phú Cường được giữ lại trường làm giảng viên của khoa Y. Gần 14 năm gắn bó với công việc giảng dạy, anh không chỉ tận tâm với nghề mà còn là người truyền ngọn lửa đam mê cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân tới các thế hệ sinh viên y khoa. Từ năm 2006 đến nay, rời giảng đường, anh chuyển sang làm chuyên môn tại bệnh viện. Suốt 22 năm khoác trên mình chiếc áo blouse, bác sĩ Cường không còn nhớ mình đã chăm sóc cho bao nhiêu bệnh nhân, hiến tặng bao nhiêu đơn vị máu, giành lại sự sống cho bao người, chỉ biết rằng mỗi khi anh và các đồng nghiệp bước ra khỏi phòng mổ, tiếng cười luôn nhiều hơn tiếng thở dài thất vọng. Chẳng hạn như năm 2006, trong khi trực thường trú tại bệnh viện, anh đã tiếp nhận một trường hợp bị đa chấn thương nặng do lật xe máy cày, nguy cơ tử vong rất cao. Sau khi hội chẩn, bác sĩ Cường đã trực tiếp tham gia mổ cấp cứu người bệnh. Thậm chí, khi biết bệnh nhân có cùng nhóm máu B với mình, anh đã trực tiếp hiến tặng người bệnh một đơn vị máu để cấp cứu kịp thời. Cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 7 tiếng, người bệnh thoát cơn nguy kịch và trở lại cuộc sống bình thường sau 1 tháng điều trị tại bệnh viện.

Hay mới đây nhất, cuối năm 2014 vừa qua, anh cũng đã trực tiếp mổ cấp cứu thành công cho bệnh nhân nữ 25 tuổi bị tai nạn giao thông dẫn đến đa chấn thương, vào viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Người bệnh thoát cơn hiểm nghèo, gia đình bệnh nhân vỡ òa niềm vui, còn các y bác sĩ cũng thấy lòng mình nhẹ nhõm. Bác sĩ Cường tâm sự: “Nghề y là nghề gắn liền với cái tâm và khi mình làm bằng chính cái tâm của mình để chăm sóc, phục vụ bệnh nhân thì sẽ cảm thấy thanh thản và vui lây với niềm vui của thân nhân người bệnh”. Và niềm vui ấy càng nhân lên gấp bội khi người bệnh tìm đến bác sĩ để nói lời tri ân. Anh kể: “Năm 2013, tôi thật sự bất ngờ khi có một người bệnh được tôi phẫu thuật cứu sống 7 năm về trước tìm tới để cảm ơn. Bệnh nhân ấy cho biết, đã nhiều lần gia đình anh ấy tìm tôi nhưng lần này mới gặp. Anh ấy và gia đình cảm ơn tôi đã giúp người bệnh trở về với cuộc sống, giúp gia đình họ được đoàn tụ, đồng thời họ tặng cho tôi món quà là một mảnh gỗ có khắc chữ “Đức”. Tôi rất trân trọng món quà ấy và treo nó ở phòng khách để nhắc nhở mình phải cố gắng hơn nữa vì người bệnh”.

Bác sĩ Cường (người ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp trong một ca phẫu thuật ngoại khoa.
Bác sĩ Cường (người ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp trong một ca phẫu thuật ngoại khoa.

Công việc thường ngày của người thầy thuốc là trị bệnh cứu người, đòi hỏi mỗi y bác sĩ phải luôn học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện y đức. Chính vì vậy, bác sĩ Cường luôn biết lắng nghe để học hỏi thêm những kinh nghiệm hay của các đồng nghiệp đi trước, không ngừng học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để đóng góp nhiều hơn trong trách nhiệm và phận sự của mình. Không những thế, với cương vị là Phó trưởng khoa Ngoại của bệnh viện, anh còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và những kiến thức mới  về chuyên môn mình cập nhật được với đồng nghiệp, giúp họ nâng cao trình độ chuyên môn. Với các anh chị em mới vào nghề, anh trực tiếp hướng dẫn, cầm tay chỉ việc qua những buổi giao ban, hội chẩn, thăm bệnh tại khoa. Qua đó, anh đã góp phần đưa nhiều kỹ thuật mới, khó vào ứng dụng tại khoa như: nội soi đại tràng, phẫu thuật nội soi cắt túi mật, cắt thận, cắt lách… Anh chia sẻ những trăn trở về nghề: “Bước chân vào nghề y, tôi luôn nghĩ mình phải luôn cố gắng để làm dịu nỗi đau thể chất cũng như tinh thần cho người bệnh. Mà để làm được điều đó, tôi luôn nỗ lực học tập nâng cao tay nghề, đồng thời tìm hiểu tài liệu để rút ra những phương pháp điều trị phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại nhằm tạo hiệu quả tối đa cho người bệnh…”.

Miệt mài với công việc, không ngừng đóng góp sức mình cho công tác điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, bác sĩ Phạm Phú Cường là một trong những tấm gương sáng thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. 

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.