Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Mắt Tây Nguyên ứng dụng kỹ thuật Ortho-K điều trị cận thị ở trẻ em

13:51, 20/05/2015

Tháng 11-2014, Bệnh viện Mắt Tây Nguyên đã bắt đầu ứng dụng kỹ thuật Orthokeratology (Ortho-K) vào điều trị cận thị ở trẻ em, giúp nhiều trẻ bị cận thị trên địa bàn được tiếp cận với phương pháp điều trị mới mà không phải đi xa.

Kỹ thuật Orthokeratology (tạo hình giác mạc) là phương pháp điều trị không phẫu thuật, không xâm lấn nhằm khử độ cận giúp người mắc tật khúc xạ không còn phụ thuộc kính gọng hay kính áp tròng. Phương pháp này sử dụng kính tiếp xúc cứng thấm khí đeo trong lúc ngủ để điều chỉnh hình dạng giác mạc, qua đó điều chỉnh độ cận thị. Khác với kính tiếp xúc thông thường chỉ có tác dụng như một thấu kính giúp người sử dụng cải thiện thị lực khi đeo, kính Ortho-K không dùng lực ép cơ học lên mắt mà làm giảm áp lực thủy tĩnh trong lớp nước mắt giữa kính áp tròng và mắt để nắn chỉnh dần dần lớp tế bào trên bề mặt của giác mạc (lớp biểu mô) dẫn đến thay đổi độ cong bề mặt, qua đó thay đổi độ hội tụ của mắt. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ đeo kính áp tròng vào ban đêm giúp định hình lại giác mạc tạm thời để điều trị tật khúc xa, và đến khi thức dậy, tháo kính ra, bệnh nhân có thể nhìn mọi thứ rõ ràng như mắt bình thường. Mặt khác, phương pháp này có ưu điểm là làm chậm và có khả năng ngăn chặn cận thị tiến triển ở lứa tuổi thanh thiếu niên nếu so với đeo kính gọng. Theo bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Khải, Giám đốc Bệnh viện Mắt Tây Nguyên: "Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt và có nhiều phương pháp điều trị như đeo kính gọng, đeo kính áp tròng mềm vào ban ngày, đeo kính áp tròng cứng, phẫu thuật khúc xạ... Trong các phương pháp này, phẫu thuật  khúc xạ là phương pháp điều trị cận thị triệt để nhưng bệnh nhân phải trên 18 tuổi và độ khúc xạ ổn định. Do đó, với trẻ em, phương pháp điều trị bằng Ortho-K được xem là hữu hiệu nhất, bởi nó giúp các em có thể thoát khỏi việc đeo kính gọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, nhất là khi tham gia các hoạt động thể thao. Khi điều trị bằng phương pháp Ortho-K, tùy theo độ khúc xạ ban đầu và các đặc điểm riêng ở mỗi trẻ, có thể cần 1 đến 4 tuần để đạt thị lực tối đa. Nhưng cũng có một số trường hợp có thể nhìn rõ chỉ sau vài ngày điều trị. Thời gian đầu, người bệnh sẽ đeo kính Ortho-K từ 6-8 tiếng mỗi đêm, khi thời gian điều trị đủ dài, mắt ổn định, có thể chỉ cần đeo kính cách ngày hoặc ít hơn để duy trì hiệu quả điều trị. Quan trọng nhất là phương pháp này không làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn và cấu trúc của giác mạc và khi không muốn dùng phương pháp này nữa, chỉ cần ngưng đeo kính áp tròng, giác mạc sẽ trở về hình dạng ban đầu như trước khi điều trị trong vòng vài ngày". Bác sĩ Khải cũng lưu ý, một số trường hợp không nên sử dụng phương pháp Ortho-K, đó là khi mắt đang bị tổn thương, viêm hay nhiễm trùng mi mắt, bán phần trước của mắt hay có những bất thường khác trên giác mạc; người bị khô mắt nặng; người mắc các bệnh toàn thân có thể ảnh hưởng tới mắt như tiểu đường, cao huyết áp… hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc ngâm, bảo quản kính.

Kiểm tra tật khúc xạ cho trẻ tại Bệnh viện Mắt Tây Nguyên.
Kiểm tra tật khúc xạ cho trẻ tại Bệnh viện Mắt Tây Nguyên.

Hiện nay, kính áp tròng chỉnh hình giác mạc Ortho-K đã được sử dụng ở 56 quốc gia trên thế giới.  Nhiều nước ở Châu Á cũng áp dụng phương pháp này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore… Riêng ở Việt Nam, kính Ortho-K đã có mặt từ năm 2013, tại Dak Lak, bắt đầu từ cuối năm 2014, Bệnh viện Mắt Tây Nguyên đã triển khai kỹ thuật này để phục vụ người bệnh. Đến thời điểm này, đã có 9 trường hợp lựa chọn điều trị cận thị bằng kính Ortho-K tại bệnh viện và tất cả các trường hợp này đều đạt được hiệu quả trong quá trình điều trị, không chỉ sinh hoạt, học tập và vui chơi không cần phụ thuộc vào kính, mà khả năng tiến triển cận thị ở mắt cũng chậm lại. Được biết, với mỗi trường hợp sử dụng phương pháp Ortho-K tại Bệnh viện Mắt Tây Nguyên, việc thăm khám trước khi điều trị bao gồm khám khúc xạ, khám bản đồ giác mạc và khám toàn bộ mắt để loại trừ những trường hợp chống chỉ định.  Khi điều trị, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tỉ mỉ cách tháo lắp và vệ sinh kính sát tròng. Sau đó bệnh nhân sẽ tự tháo lắp một cách dễ dàng tại nhà mỗi khi sử dụng kính.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.