Hút thuốc lá - nguyên nhân chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Đã 9 năm kể từ ngày được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bà Nguyễn Thị Liên (59 tuổi, thường trú tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) phải sống chung với những cơn ho, khó thở và đau tức ngực mỗi khi làm việc gắng sức. Mỗi năm bệnh của bà tái phát từ 9-10 lần, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa, làm việc nặng, mất ngủ hoặc cơ thể suy nhược do suy nghĩ, lo lắng nhiều. Bà Liên tâm sự: “Tôi hút thuốc đã 40 năm. Từ ngày phát hiện bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tôi đã bỏ hút thuốc, tuy nhiên bệnh quá nặng rồi”. Ông Vũ Văn Trọng (70 tuổi, ở xã Ea Phê, huyện Krông Pak) cũng đang được điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ông nhập viện trong tình trạng khó thở, mệt mỏi, thóp ngực, cơ thể gầy sút. Ông Trọng cho biết: “Tôi được phát hiện bị bệnh từ 7 năm trước, nhưng chưa từng đến viện điều trị vì tôi thấy sức khỏe bình thường, đôi khi ho vài lần rồi cũng tự hết. Khoảng một năm trở lại đây, tôi phải nhập viện liên tục vì khó thở kéo dài. Các bác sĩ chuyên khoa ở đây cho biết do không được điều trị sớm nên bệnh đã phát triển nặng hơn”.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng bệnh lý ở phổi gây nên tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi làm bệnh nhân khó thở. Triệu chứng thường gặp ở bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, gồm: ho, khạc đờm và khó thở khi làm việc quá sức; đặc biệt, ho và khạc đờm dai dẳng thường xuất hiện nhiều năm trước tình trạng tắc nghẽn đường dẫn khí (dù vậy, không phải tất cả mọi trường hợp ho và khạc đờm đều phát triển thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính). Bác sĩ Cao Hữu Vinh, Trưởng Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Có nhiều nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, song nguyên nhân chính là do hút thuốc lá, thuốc lào (trong số những người bị phổi tắc nghẽn mãn tính đang điều trị tại viện thì có đến 90% là do hút thuốc), còn lại là do làm việc trong môi trường bị ô nhiễm, thường xuyên hít phải hóa chất độc hại, bụi bặm, khói than, củi, rơm rạ…”.
Một bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được ví như “kẻ giết người thầm lặng” bởi diễn tiến của bệnh âm thầm, không gây nguy hiểm tức thì cho người bệnh, chỉ đến khi thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm cao hay làm việc quá sức thì người bệnh sẽ thường xuyên bị thiếu ôxi trong máu, gây mệt mỏi, khó thở, tức ngực, ho, thậm chí không di chuyển được. Hậu quả là người bệnh bị mất sức lao động và không thể tự chăm sóc bản thân, dễ dẫn đến các biến chứng bệnh phổi khác như: viêm phổi, tràn khí màng phổi, u phổi… Đa số những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở độ tuổi trên 40 tuổi, nam bị bệnh nhiều hơn nữ. Một người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nặng thì trung bình một năm phải nhập viện từ 8-10 lần, mỗi lần từ 1-2 tuần. Đây là căn bệnh gây nhiều tốn kém cho bệnh nhân và cũng là gánh nặng cho gia đình và xã hội bởi chi phí điều trị cao hơn nhiều so với các bệnh như: hen, lao hay viêm phổi. Bệnh cũng không thể chữa khỏi hoàn toàn mà có nguy cơ tiến triển nặng dần. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ thì có thể làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi, giúp người bệnh cải thiện được sức khỏe.
Để kịp thời phát hiện và điều trị sớm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cần khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 2 lần khi có các dấu hiệu nghi ngờ như: ho, khạc đờm và khó thở khi làm việc nặng. Đặc biệt, cần phải từ bỏ thuốc lá, thuốc lào; tránh khói thuốc, khói than, khói rơm rạ và các loại khói hóa chất độc hại; luôn giữ không khí trong nhà sạch sẽ, thoáng mát; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, như: đi bộ, bơi lội… để giữ thân thể khỏe mạnh. Đối với những trường hợp đã mắc bệnh cần dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc nửa chừng khiến bệnh càng nặng hơn.
Mỹ Hạnh - Đình Thi
Ý kiến bạn đọc