Những đột phá mới trong "cuộc chiến" phòng, chống ung thư
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2012 căn bệnh ung thư đã cướp đi 8,2 triệu sinh mạng con người trên quy mô toàn cầu. Việc tìm ra giải pháp chữa trị là thách thức cấp bách đối với ngành y. Dưới đây là những thành tựu mới nhất mang tính “điểm nhấn” trong cuộc chiến cam go và nan giải này.
1. Xét nghiệm máu sớm biết bệnh ung thư
Qua nghiên cứu, nhóm chuyên gia Đại học Bradford (UOB) phát hiện thấy DNA trong các tế bào máu trắng bệnh nhân ung thư sẽ không thể chịu đựng hoặc khắc phục được tổn thương do tia UV gây ra giống như DNA trong cơ thể của người khỏe mạnh. Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư phải làm việc quá tải ngay từ giai đoạn đầu khi mới mắc bệnh. Sau khi phơi ra ánh sáng tia cực tím, các nhà khoa học đã tách DNA ra khỏi gel electrophoresis (công cụ phân tích DNA truyền thống). Kết quả, DNA tế bào máu trắng người khỏe mạnh có mạch ngắn trong khi các DNA của các bệnh nhân tiền ung thư lại có mạch dài hơn, ngoài ra tổn thương do tia UV cũng rõ nét hơn. Mặc dù các mẫu phân tích được chọn ngẫu nhiên và được mã hóa nhưng các nhà khoa học vẫn xác định được chính xác 94 người khỏe mạnh, 58 bệnh nhân bị ung thư và 56 bệnh nhân trong giai đoạn tiền ung thư. Các mẫu vật được lấy từ bệnh nhân u ác tính, ung thư ruột kết, phổi được tập kết phục vụ cho bước nghiên cứu tiếp theo. Một nghiên cứu khác ở 1.500 bệnh nhân do Viện Công nghệ Massachussett (MIT) thực hiện cho thấy hàm lượng axit-amin leucine đặc biệt, isoleucine và valine trong máu tăng có thể giúp y học chẩn đoán bệnh ung thư tuyến tụy trước 1-10 năm so với các phương pháp hiện hành.
Thử máu để sớm phát hiện ung thư. |
2. Làm chậm khối u di căn bằng giải pháp “mua thời gian”
Xác định chính xác chỉ dấu sinh học ung thư trong máu có thể cải thiện quá trình chẩn đoán sớm bệnh nhưng ung thư vẫn là mối nguy tiềm ẩn trong cơ thể, nhất là khi di căn. Để làm chậm quá trình di căn khối u, nhóm chuyên gia ở ĐH Stanford đã tiến hành nghiên cứu tiền lâm sàng, làm chậm đáng kể sự di căn ung thư ở loài chuột bằng cách sử dụng một protein mồi trong quy mô phòng thí nghiệm.
Thông thường, các khối u di căn khi protein Axl có nhiều lông trên bề mặt tế bào ung thư tương tác với các protein Gas6. Khi hai protein này liên kết với nhau, tế bào có thể vỡ, tách ra khỏi khối u chính và di chuyển đến các vị trí khác trong cơ thể, tạo ra quá trình di căn. Nhóm đề tài đã biến đổi sinh học tạo ra một protein Axl mồi để tăng hiệu quả cao gấp hàng trăm lần so với sự tương tác với các protein Gas6 tự nhiên. Qua thử nghiệm trên chuột cho thấy protein mồi liên kết protein Gas6 trong máu trước khi chúng liên kết và kích hoạt các protein Axl trên các tế bào ung thư, quá trình này giảm được tới 78% các u nhỏ (nodule) di căn ở chuột ung thư vú và 90% các u nhỏ di căn ở chuột bị ung thư buồng trứng.
3. Phương pháp tìm và diệt chính xác tế bào ung thư
Sau khi tìm được cách làm chậm di căn ung thư, điều cần làm tiếp theo là loại bỏ khối u khỏi cơ thể. Phương pháp hiện có là sử dụng bức xạ và hóa trị liệu nhưng hiệu quả còn thấp, thiếu chính xác và thiệt hại lớn đến các tế bào khỏe mạnh kề cạnh. Các chuyên gia ở Đại học Rice (Mỹ) vừa nghiên cứu, tạo ra các hạt nano bằng vàng, có kích thước siêu nhỏ, chỉ bằng vài phần tỷ của một mét trên đó mang với các kháng thể protein đặc trưng chống ung thư , được “dẫn hướng” nhắm tới các khối u. Khi các hạt nano đến đúng đích, người ta dùng tia laser phát nổ các hạt này, vỡ và phá hủy tế bào chủ. Ngoài việc phá hủy các tế bào, các hạt nano vàng được nạp với thuốc hóa trị liệu tiêu diệt ung thư và ứng dụng để phóng đại chiếu xạ tia X-quang tại các vị trí của khối u. Phương pháp dùng kháng thể protein đặc trưng không phải là phương pháp duy nhất, các chuyên gia ở ĐH Rice còn dùng các hạt nano oxit sắt và sử dụng từ trường mang thuốc tới chính xác khối u và có tác dụng giống như các hạt nano bằng vàng.
4. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch hay trị liệu miễn dịch (Immunotherapy) có khả năng “huấn luyện” cho hệ miễn dịch cơ thể tấn công tế bào ung thư. Đây là bước đột phá mới và hy vọng 5 năm tới, liệu pháp hóa trị liệu (chemotherapy) sẽ được thay bằng trị liệu miễn dịch nói trên. Theo Trung tâm nghiên cứu ung thư Anh (CRUK), liệu pháp Immunotherapy đặc biệt hữu hiệu đối với các loại ung thư nguy hiểm như ung thu phổi và da, giúp triệt tiêu các khối u trong cơ thể bệnh nhân. Ngoài ra, phương pháp trị liệu mới còn hiệu quả đối với các loại bệnh ung thư khác như ung thư thận, bàng quang, vòm họng và não. Liệu pháp Immunotherapy phá vỡ các màng chắn bảo vệ của khối u và huấn luyện cơ thể cách tấn công khối u. Một cuộc thử nghiệm ở 950 bệnh nhân bị ung thư da cho thấy khoảng 60% khối u teo nhỏ hoặc được kiểm soát hoàn toàn. Nếu kết hợp hai dạng trị liệu miễn dịch thì hiệu quả có thể đạt tới 60% so với 15% khi áp dụng liệu pháp miễn dịch đơn.
Nguyễn Khắc Nam
Ý kiến bạn đọc