Multimedia Đọc Báo in

Sử dụng giấy vệ sinh sai cách dễ ảnh hưởng đến sức khỏe

09:18, 11/12/2015
Nhiều gia đình, một số quán ăn vẫn có thói quen dùng giấy vệ sinh các loại hoặc giấy ăn chất lượng không bảo đảm để lau  bát, đĩa... Thói quen này tưởng vô hại nhưng trên thực tế, nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.

Nhiều năm nay, gia đình chị Đậu Thị Việt (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) thường sử dụng giấy cuộn cho nhiều mục đích: vừa sử dụng trong toilel vừa lau tay, lau chén bát, đũa, thìa trước khi ăn… Vẫn biết là  khi lau giấy có dính mủn trên mặt, tay hay chén bát nhưng các thành viên trong gia đình chị đều không mấy quan tâm xem chúng có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không.

Theo nhiều chuyên gia về vệ sinh y tế, việc dùng giấy vệ sinh thay cho giấy ăn là một thói quen sai lầm của nhiều người. Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất lạm dụng xút và tẩy javel khiến giấy tồn dư nhiều hóa chất độc hại. Khi con người tiếp xúc với loại giấy ăn nhiễm độc này thì vi khuẩn, tạp chất, hóa chất độc hại đi vào cơ thể người, gây hại sức khỏe; tiếp xúc lâu có thể mắc các loại bệnh về hệ hô hấp, bệnh về da và mắt. Giấy vệ sinh mà chúng ta đang dùng hằng ngày chủ yếu là được tái chế, chứa rất nhiều vi khuẩn, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa.

Thực tế, tiêu chuẩn, quy định về sản xuất giấy ăn và giấy vệ sinh hoàn toàn khác biệt. Tiêu chí sản xuất giấy ăn nghiêm ngặt hơn giấy vệ sinh rất nhiều. Giấy ăn chỉ sử dụng các nguyên liệu từ gỗ, các loại cỏ, trúc; còn giấy vệ sinh, ngoài các nguyên liệu trên, có thể sử  dụng các sợi nguyên liệu thu hồi từ các loại giấy in, giấy phô-tô, giấy tái chế. Giấy tái chế thường dùng hóa chất (chủ yếu clo) để khử mực; một số nhà sản xuất còn cho thêm chất huỳnh quang nhằm mục đích làm tăng độ trắng hay làm tăng độ phản quang của giấy để giấy có độ sáng trắng, bắt mắt hơn nhằm thu hút người tiêu dùng. Việc dùng giấy vệ sinh thay thế cho giấy ăn trong một thời gian dài có thể có những ảnh hưởng đối với sức khỏe: hấp thụ vào cơ thể những chân nấm độc hại, khuẩn cầu que gây ra bệnh viêm kết ruột, dẫn tới các bệnh như bệnh viêm ruột, thương hàn, kiết lỵ… Các loại giấy vệ sinh chất lượng kém còn có nhiều bột bụi giấy, khi sử dụng một lượng lớn bụi công nghiệp có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, gây ra những kích thích đối với đường hô hấp, hoặc kích thích đối với những làn da quá nhạy cảm.

Chỉ cần để ý, có thể thấy những loại khăn giấy, giấy vệ sinh ở rất nhiều quán ăn bình dân thường có màu trắng đục, xanh đỏ, lẫn các chấm đen bẩn; khi lau, giấy bở tơi và dễ rách, thậm chí bay bụi. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người dùng không nên tùy tiện dùng các loại khăn giấy không rõ nguồn gốc để lau miệng, kể cả đi vệ sinh bởi những loại khăn giấy này dễ bị nhiễm khuẩn, dẫn tới nguy hại khôn lường.             

 Liên Chi


Ý kiến bạn đọc