Những lưu ý trong điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone
Methadone là một chất tổng hợp được sử dụng để thay thế ma túy, cụ thể là hêrôin, không áp dụng với ma túy đá, thuốc lắc… Tác dụng của nó là làm giảm liều và tiến đến ngưng sử dụng hêrôin. Ưu điểm của Methadone là sau khi uống, người bệnh giảm hoặc mất cảm giác thèm ma túy, tinh thần đủ tỉnh táo để lao động và học tập bình thường. Đây cũng là biện pháp để giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tiêm chích không an toàn; giảm tỷ lệ tội phạm trộm cắp, cướp giật… Anh Nguyễn Văn Đ. (29 tuổi, trú tại phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những bệnh nhân đầu tiên điều trị cai nghiện bằng Methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. Anh Đ. nghiện ma túy 9 năm và từng nhiều lần cai nghiện nhưng không thành công. Sau 1 tháng điều trị bằng Methadone, anh đã giảm được tần suất sử dụng ma túy và thấy tinh thần thoải mái, sức khỏe ổn định. Anh Đ. hy vọng sau khi kết thúc quá trình điều trị, anh sẽ hoàn toàn từ bỏ được ma túy.
Tư vấn điều trị Methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đắk Lắk. |
Điều kiện tiên quyết để điều trị Methadone thành công là người bệnh phải có quyết tâm cao trong việc từ bỏ ma túy và tự nguyện đăng ký tham gia điều trị. Sau khi cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân cho cơ sở điều trị, người bệnh sẽ được cán bộ y tế tư vấn và khám sức khỏe. Sau đó, người bệnh sẽ nhận được quyết định tiếp nhận của cơ sở điều trị và được cấp thẻ điều trị. Quyết định điều trị đồng thời cũng được gửi đến các cơ quan chính quyền bao gồm UBND phường/xã, huyện/thị xã/thành phố, nơi bệnh nhân cư trú và đến người bảo hộ là cha, mẹ, người thân đối với bệnh nhân chưa đủ 16 tuổi. Bước vào giai đoạn điều trị, bệnh nhân phải trải qua 3 bước là khởi liều, dò liều và duy trì. Ở giai đoạn đầu tiên, tất cả bệnh nhân đều được uống một liều như nhau. Sau đó, cán bộ y tế sẽ thăm khám, điều tra để tăng hoặc giảm liều cho phù hợp với từng người bệnh. Khi đạt được ngưỡng phù hợp, bệnh nhân sẽ duy trì liều lượng thuốc đó cho đến hết quá trình điều trị, với thời gian hơn 1 năm.
Đều đặn hằng ngày, bệnh nhân đến cơ sở điều trị để uống Methadone dưới sự giám sát và định liều của cán bộ y tế. Nguyên tắc điều trị là bệnh nhân không được phép bỏ thuốc bất cứ ngày nào. Nếu bỏ trên 3 ngày thì phải tiến hành điều trị lại từ đầu. Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Trong quá trình điều trị, Methadone có thể gây ra một số tác dụng phụ như ra mồ hôi nhiều, khô miệng, táo bón… Nhưng những hiện tượng này sẽ nhanh hết. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu thấy cơ thể có những thay đổi đặc biệt”.
Trong điều trị cai nghiện, ngoài sự cố gắng của người bệnh thì vai trò của người thân là vô cùng quan trọng. Người nhà cần tích cực động viên và tạo điều kiện để người bệnh được dùng thuốc đều đặn và đúng lịch, đạt được hiệu quả điều trị.
Thu Huế - Đình Thi
Ý kiến bạn đọc