Multimedia Đọc Báo in

Những thắc mắc về bệnh đột quỵ

11:51, 24/01/2016

Các triệu chứng đột quỵ thường xuất hiện đột ngột, gây nguy hiểm tính mạng nên cần phải cấp cứu khẩn cấp. Dưới đây là những thắc mắc liên quan đến căn bệnh này, mọi người nên tham khảo để phòng tránh và xử lý kịp thời.

1. Tại sao đột quỵ lại xuất hiện đột ngột ?

Các triệu chứng của đột quỵ thường xuất hiện đột ngột bởi máu đưa lên não bị gián đoạn tức thì. Khi sự cố  xảy ra, chỉ cần một vài giây, phần não không có máu cung cấp sẽ ngừng hoạt động.

2. Sự khác nhau giữa đột quỵ và đau tim ?

• *Cơn đau tim xảy ra khi máu không đến được tim làm cho tim ngừng đập

•*Đột quỵ xảy ra khi dòng máu lên não bị gián đoạn hoặc bị hạn chế hoạt động

3. Đột quỵ gây ra đau đầu?

Thực tế chỉ có một tỷ lệ nhỏ các cơn đột quỵ gây ra đau đầu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của cơn cơ đau đầu trầm trọng thì rất có thể là do chảy máu não. Do nguy cơ tử vong cao nên những người bị đau dữ dội cần đưa đi cấp cứu để xử lý và khắc phục tình trạng chảy máu não.

4. Điều gì quyết định mức độ nghiêm trọng của đột quỵ?

   Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng. Ví dụ, đột quỵ diễn ra ở vùng não có mức độ quan trọng tối thiểu trong việc xử lý các hoạt động thường ngày sẽ để lại hệ lụy nhẹ, không đáng kể. Ngược lại, đột quỵ xảy ra ở vùng não có chức năng quan trọng tối đa thì di hại của nó càng cao và nghiêm trọng, gây suy nhược, tàn phế mạnh hơn, dài hơn. Ví dụ, đột quỵ rơi vào khu vực xử lý mùi vị, thì ít ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, nhưng xuất hiện tại khu vực xử lý ngôn ngữ của não thì chức năng phát ngôn bằng lời nói bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như méo miệng, nói ngọng là hiện tượng thường thấy.

5. Tại sao đột quỵ lại chỉ ảnh hưởng một bên của cơ thể?

Thông thường, não trái kiểm soát phía bên phải của cơ thể, trong khi đó não phải lại kiểm soát phía trái. Theo cơ chế nghịch này, khi mạch máu mang máu đến một phần nhất định của não bị tắc, thì chỉ có phía cơ thể do phần não này kiểm soát bị ảnh hưởng, điều này gây ra hiện tượng các bộ phận đối diện của cơ thể bị ảnh hưởng.

6. Nguy cơ bị đột quỵ, nên làm gì?

Lập tức gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu xử lý sớm thì cơ hội được cứu sống càng cao, nhất là tiếp cận với điều trị, giảm thiểu và thậm chí đảo ngược những hệ lụy lâu dài do đột quỵ gây ra. Sau khi gọi xe cứu thương, người trong cuộc hoặc người nhà chuẩn bị trả lời các câu hỏi sau đây để giúp bác sĩ để có giải pháp điều trị tối ưu:

•*Khi nào bắt đầu xuất hiện triệu chứng đột quỵ?

*Tiền sử y tế đầy đủ của bản thân ?

•*Người bệnh từng bị đột quỵ? Đã bao giờ bị chảy máu bên trong não?

•*Người bệnh có bất cứ kim loại nào bên trong cơ thể? Câu hỏi này giúp quyết định việc chụp cộng hưởng từ (MRI), bởi máy MRI có lực nam châm rất mạnh. Nếu trong cơ thể có các chi tiết kim loại như máy điều hòa nhịp, khớp giả bằng kim loại, răng giả, thậm chí mảnh đạn..) cần cho bác sĩ biết trước.

•*Những loại thuốc chữa bệnh và thuốc bổ người trong cuộc dùng thường xuyên?

•*Người bệnh có bị mắc bệnh rối loạn chảy máu?

7. Làm gì để phòng tránh đột quỵ ?

Kiểm soát huyết áp được coi là chìa khóa để ngăn ngừa đột quỵ. Các biện pháp khác giúp làm giảm đột quỵ bao gồm tập thể dục ít nhất nửa giờ/ngày như đi bộ, leo cầu thang, chơi thể thao, chạy bộ tại chỗ…. Bỏ thuốc lá (nếu hút), tránh xa khói thuốc lá, chuyên môn gọi là hút thuốc lá thụ động. Giảm lượng muối trong chế độ ăn uống, cắt giảm chất béo động vật, sữa giàu chất béo, thức ăn có đường, và các loại thực phẩm nhiều cholesterol như động vật có vỏ và gan. Duy trì lượng mỡ máu ở ngưỡng hợp lý, kiểm soát đường huyết. Ăn uống cân bằng khoa học, đủ chất, tăng khẩu phần rau xanh và các loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt, ăn nhiều cá và duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý theo độ tuổi, giới tính.

K.N

(Theo AH/SC- 8/2015)


Ý kiến bạn đọc