Các loại gia vị kiêm thuốc chữa bệnh
Ngoài rau xanh, trái cây, 5 loại thảo mộc dưới đây được xem là những vị thuốc có tác dụng phòng ngừa bệnh tật, kể cả nhóm bệnh thần kinh nan y như Parkinson và Alzheimer.
1. Quế trị bệnh Parkinson
Quế, đặc biệt là vỏ, giàu chất chống oxy hóa hơn bất kỳ gia vị nào, nhất là tác dụng làm giảm LDL (cholesterol xấu hay mỡ máu) và làm giảm nguy cơ mắc bệnh bạch cầu và ung thư lymphoma tế bào.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Y học, Đại học Rush, Chicago (Mỹ) thì quế có thể làm giảm bớt hoặc ngăn ngừa hiện tượng run chân tay ở người bệnh Parkinson. Thế mạnh của quế trong việc giảm thiểu bệnh Parkinson là một hợp chất được chuyển hóa thành sodium benzoate trong gan. Sodium benzoate sau đó được truyền lên não, tại đây hợp chất này phát huy tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh và bình thường hóa chức năng dẫn truyền thần kinh của não bộ.
2. Hạt tiêu đen trị bệnh gan nhiễm mỡ
Hạt tiêu đen rất giàu mangan, đồng nên có ích cho quá trình chuyển hóa và duy trì sức khỏe xương. Đặc biệt là peperine, hợp chất dùng để đặt tên cho hạt tiêu đen, rất tốt cho sức khỏe gan.
Viện Y học Quốc gia Mỹ vừa công bố kết quả nghiên cứu được thực hiện trên chuột tại Seoul, Hàn Quốc, nơi có truyền thống dùng hạt tiêu đen, cho thấy peperine có tác dụng trong việc ngăn chặn, thậm chí đảo ngược căn bệnh gan nhiễm mỡ ở loài gặm nhấm. Phát hiện trên rất quan trọng trong việc trị bệnh gan nhiễm mỡ, căn bệnh mạn tính phổ biến, dễ gây tử vong, nhất là gan nhiễm mỡ không phải do rượu.
3. Hương thảo trị thoái hóa điểm vàng
Cây hương thảo (rosemary), tên khoa học Rosmarinus officinalis, cây nhỏ cao 1-2m, phân nhánh và mọc thành bụi có mùi thơm đặc trưng. Hương thảo rất giàu khoáng chất như canxi, sắt, kali và vitamin, trong đó có vitamin B6, folate, vitamin C và vitamin A hay beta-carotene, có tác dụng tốt cho sức khỏe thị lực.
Viện Nghiên cứu Y khoa Sanford Burnham (Mỹ) hiện đang tiến hành nghiên cứu dài kỳ, bước đầu phát hiện thấy một hợp phần trong hương thảo, có tên axit carnosic, rất tốt cho sức khỏe mắt không kém gì beta-carotene. Đặc biệt là tác dụng ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi - đây là căn bệnh phổ biến nhất về mắt, thủ phạm dẫn đến suy giảm thị lực, mù lòa ở nhóm người cao niên.
4. Củ nghệ trị viêm khớp
Theo nghiên cứu của Viện Y học Quốc gia Mỹ, nghệ rất an toàn và hiệu quả trong việc phòng chống và chữa trị bệnh đau dạ dày, viêm khớp dạng thấp. Curcumin, một hợp chất làm cho củ nghệ có màu sắc, mùi vị đặc trưng chính là hợp chất chủ đạo cho sức khỏe khuỷu khớp.
5. Cây xô thơm trị bệnh Alzheimer
Cây xô thơm, tên khoa học Salvia officinalis, thực vật có hoa thuộc họ Hoa môi. Ngoài chức năng gia vị, cây xô thơm còn có nhiều tác dụng, nhất là tác dụng ngừa bệnh sa sút trí tuệ hay suy giảm trí nhớ (Alzheimer). Hợp chất phytoestrogen được tìm thấy trong cây xô thơm và đậu nành có tác dụng làm giảm các hiện tượng bất thường sau mãn kinh ở phụ nữ, như bốc hỏa, ra mồ hôi, tính khí thất thường, suy giảm trí nhớ. Viện Y học Quốc gia Mỹ phát hiện thấy thảo mộc này rất giàu hai chất hoạt hóa là Salvia officinalis L. và Salvia lavandulaefolia L., làm tăng nhận thức.
Ba bí quyết làm tăng hiệu quả thảo mộc
Kết hợp một chế độ ăn uống lành mạnh với gia vị và thảo dược theo số lượng hợp lý đã mang lại hiệu quả cao, được con người sử dụng chữa bệnh trong hàng ngàn năm. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả cao nhất, giới ẩm thực và y tế khuyến cáo:
- Sử dụng thảo mộc nguyên chất: Ví dụ xay hạt tiêu nguyên chất, dùng thảo mộc tươi “cây nhà lá vườn” có sẵn…, làm như vậy sẽ bảo toàn được giá trị dinh dưỡng cao nhất mà không gây hại cho cơ thể.
- Sử dụng sản phẩm tươi sống: Thông thường, thảo dược được phơi hay sấy, thời gian dùng tốt nhất là 1 năm, một số thảo mộc có thể giữ được hương vị đến 3 năm. Nếu gia vị không còn mùi vị đặc trưng thì nên loại bỏ.
- Sử dụng đúng cách: Các loại gia vị, thảo mộc rất nhạy với nhiệt độ và ánh sáng, do đó, cần được bảo quản đúng cách. Nên bảo quản ở nơi bóng râm, mát mẻ, ít hoặc không có độ ẩm.
Khắc Nam
(Theo Grandparents- 9/2015)
Ý kiến bạn đọc