Giới trẻ còn xem nhẹ khám sức khỏe tiền hôn nhân
Chỉ còn 3 tháng nữa, Nguyễn Quang Toản (27 tuổi, ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) sẽ cưới vợ. Trong danh sách những việc cần làm trước đám cưới của Toản chỉ thấy liệt kê việc chụp hình, chọn áo cưới cho cô dâu, chú rể, lên danh sách mời đám cưới… chứ không hề có việc khám sức khỏe trước hôn nhân. Khi còn là sinh viên một trường cao đẳng hoặc khi sinh hoạt Đoàn ở địa phương, Toản đã tham gia nhiều buổi tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản nhưng cậu tự tin cho rằng mình sống lành mạnh nên không cần khám sức khỏe trước khi kết hôn. Cô gái trẻ Nguyễn Thị Tuyết Hồng (23 tuổi, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cũng sắp tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, Hồng và người yêu của mình vẫn chưa đi khám sức khỏe trước khi kết hôn. Hồng tâm sự: “Sắp cưới rồi, đi vào bệnh viện nếu ai nhìn thấy thì ngại lắm. Hơn nữa, tự nhiên rủ người yêu đi khám sức khỏe thì sợ bị nghi ngờ là yêu nhau mà không có niềm tin”…
Khám sức khỏe cho sinh viên Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên. |
Có rất nhiều thanh niên sắp bước vào ngưỡng cửa hôn nhân như Toản, Hồng cũng chưa coi trọng việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, một mặt vì tâm lý e ngại hoặc chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe bản thân, mặt khác thì lo sợ nếu phát hiện bệnh tật sẽ ảnh hưởng đến việc kết hôn. Vì vậy, số bạn trẻ tự giác tìm đến các cơ sở y tế để khám sức khỏe tiền hôn nhân rất ít trong khi trên thực tế, đã có không ít trường hợp do thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản mà tình cảm vợ chồng rạn nứt, kéo theo là suy giảm kinh tế, sức khỏe, tâm lý, hạnh phúc gia đình bị đe dọa...
Mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được Chi cục Dân số - KHHGĐ triển khai tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Ea Kar, Krông Năng và Krông Pắc từ năm 2012. Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng đã thực hiện được 6 buổi khám sức khỏe cho vị thành niên - thanh niên, đối tượng chuẩn bị kết hôn, thu hút khoảng 2.000 bạn trẻ tham gia. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, lợi ích của khám sức khỏe tiền nhân đã được thực hiện thường xuyên: treo băng-rôn, nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm, sinh hoạt Câu lạc bộ… nhằm nâng cao ý thức cho người dân, nhất là đối tượng chuẩn bị kết hôn tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Theo các chuyên gia y tế, lợi ích của việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân là: Đánh giá sức khỏe một cách tổng quát; phát hiện những bệnh lý truyền nhiễm (như viêm gan B hay HIV/AIDS), những bệnh lây truyền qua đường tình dục (như lậu, giang mai); kiểm tra và phát hiện những bệnh lý do di truyền, tầm soát và phát hiện bệnh lý liên quan đến vấn đề sinh sản. Đồng thời, dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn, tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn. Bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh khuyến cáo: “Các cặp đôi nên có kế hoạch khám sức khỏe trước khi cưới khoảng 3 - 6 tháng. Khám sức khỏe tiền hôn nhân để phát hiện ra những dấu hiệu bất lợi về sức khỏe nhằm được tư vấn và điều trị kịp thời; tạo ra tâm lý thoải mái cho cuộc sống vợ chồng sau đám cưới và biết rõ sức khỏe của mình để có kế hoạch sinh con hợp lý. Bên cạnh đó, những người có HIV sẽ được tư vấn áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp, nếu muốn sinh con thì các bác sĩ có giải pháp can thiệp để giảm thiểu những hậu quả có thể để lại cho con cái”.
Thực hiện khám và chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân chính là sự chuẩn bị kiến thức và tâm lý đúng đắn cho cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, bền vững. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần duy trì hiệu quả và nhân rộng mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi cho vị thành niên-thanh niên, đối tượng chuẩn bị kết hôn tự giác tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Võ Thảo
Ý kiến bạn đọc