Phát hiện sớm và điều trị bệnh lao kháng đa thuốc
Tâm lý nhiều người khi mắc bệnh lao, ai cũng muốn được chữa khỏi hoàn toàn nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà người bệnh bỏ dở việc điều trị, do vậy vi khuẩn lao không những không bị tiêu diệt triệt để mà còn trở thành khuẩn kháng thuốc, dễ dàng tái phát khi sức khỏe người bệnh suy yếu, tạo nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong số 22 bệnh nhân lao kháng thuốc được phát hiện sớm và điều trị tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk. Khi phát hiện mắc bệnh lao, ban đầu bà Thu tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của thầy thuốc đều đặn mỗi ngày, trong một thời gian nhất định… nhưng khi nhận thấy bệnh đã thuyên giảm và sức khỏe ổn định, bà đã tự ý ngưng dùng thuốc. Kết quả là bệnh tái phát trở lại, bà Thu được các bác sĩ Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh chẩn đoán mắc lao kháng thuốc. Tương tự, anh Nguyễn Văn Tài (thôn 1, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc) do không tuân thủ nghiêm ngặt trong điều trị lao lần đầu cách đây khoảng 4 năm nên anh đã bị lao kháng thuốc, gây suy yếu về sức khỏe và mất nhiều thời gian và chi phí điều trị. Tuy nhiên, nhờ Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh triển khai xét nghiệm, sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị lao kháng đa thuốc tại Đắk Lắk nên đã thực sự giúp ích cho anh Tài và nhiều bệnh nhân khác trên địa bàn tỉnh và khu vực được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại ngay tại địa phương; người bệnh vừa tiết kiệm được chi phí vừa có điều kiện điều trị đúng lộ trình và có thể khỏi bệnh.
Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân lao kháng thuốc. |
Bác sĩ Trần Thị Bích Liên, Phó Khoa Nội 2, quản lý Khoa Lao kháng thuốc (Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh) cho biết: “Khó khăn nhất trong điều trị lao kháng thuốc, lao kháng đa thuốc hiện nay là thời gian kéo dài tới 20 tháng, giai đoạn đầu là điều trị 8 tháng tấn công, 12 tháng duy trì nên khi thuốc vào cơ thể người bệnh rất mệt. Phần lớn bệnh nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, vừa phải chữa bệnh vừa phải mưu sinh, đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến người bệnh không tuân thủ điều trị”. Theo nhiều chuyên gia, những người đã bị lao kháng đa thuốc phải dùng đến những thuốc mới để điều trị, những loại thuốc này có rất nhiều tác dụng phụ. Tiếp xúc với bệnh nhân lao đa kháng thuốc, có thể lây nhiễm các vi khuẩn lao đa kháng thuốc. Do đó, để tránh lây lan cho cộng đồng, người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ điều trị để chữa dứt điểm bệnh lao. “Người bệnh lao kháng thuốc điều trị phải bảo đảm lộ trình, dùng thuốc đúng, đủ liều, uống vào một giờ nhất định, uống liên tục hằng ngày và cần phải kiểm tra định kỳ mỗi tháng theo lịch hẹn của thầy thuốc” - Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Kim Mỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh lưu ý.
Hiện nay, cùng với việc nỗ lực hoàn thiện nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa về lao phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi Đắk Lắk đã được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, như: máy Gene Xpert sau 2 giờ là có kết quả chẩn đoán lao và lao kháng thuốc; kỹ thuật nuôi cấy vi khuẩn lao trên môi trường lỏng MGIT 320 chỉ trong vòng 2 tuần đã cho kết quả thay vì phải mất 2 tháng như trước đây. Nhờ có các thiết bị hiện đại, kỹ thuật viên dễ dàng thực hiện các thao tác chuyên môn trong môi trường an toàn, đọc kết quả nhanh và chính xác nhất. Người bệnh không mất nhiều thời gian chờ đợi mà còn được miễn phí hoàn toàn trong chẩn đoán và dùng thuốc điều trị .
Được biết, Chương trình xét nghiệm, sàng lọc và điều trị cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh còn hỗ trợ chi phí đi lại hoặc chuyển tuyến, giúp người bệnh giảm bớt khó khăn, yên tâm hơn trong quá trình điều trị. Điểm mới trong công tác phát hiện và điều trị lao kháng thuốc, đa kháng thuốc trong năm 2016 là tất cả những bệnh nhân lao mới hoặc lao tái phát đều được đề nghị chuyển tuyến từ Bệnh viện huyện lên Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh để khám sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời đúng phác đồ. Vì vậy, khi phát hiện các triệu chứng, như: sốt, ho, khạc đờm không thuyên giảm hoặc thuyên giảm một thời gian rồi tái phát và có dấu hiệu tăng lên thì cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa lao gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xuân Nhật
Ý kiến bạn đọc