Multimedia Đọc Báo in

Hút thuốc lá: Hiểm họa khôn lường

10:43, 31/05/2016

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Kim Mỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Trung bình mỗi tuần Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh phát hiện từ 2-3 trường hợp nghi ung thư phổi do có tiền sử hút thuốc lá. Sau khi cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cần thiết, hầu hết các trường hợp đều được chỉ định chuyển tuyến trên nhằm phát hiện sớm và can thiệp điều trị. Những trường hợp thường xuyên điều trị tại bệnh viện hầu hết là mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi… Trong số này có rất nhiều trường hợp mắc bệnh do nguyên nhân hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá”.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đang điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đang điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.

Trên thực tế, hầu như ai cũng biết hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe nhưng tác hại của thuốc lá gây ra như thế nào thì nhiều người chưa thực sự quan tâm, chỉ khi bản thân hoặc người thân mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá thì mới cảm thấy lo lắng hoặc quyết tâm bỏ thuốc. Như trường hợp ông Trần Ngọc Hiếu (68 tuổi, ở thôn 16, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) có tiền sử hút thuốc đã hơn 30 năm, thậm chí có giai đoạn ông hút đến 2-3 gói một ngày. Song phải đến hơn 10 năm trở lại đây, khi lần đầu tiên phát hiện mình mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, từng ngày sống chung với các triệu chứng khó thở, tức ngực, ho ra máu, suy nhược cơ thể… khiến sức khỏe  ngày càng giảm sút, ông Hiếu mới quyết tâm bỏ thuốc lá và mãi đến năm ngoái ông mới hoàn toàn bỏ thuốc lá thành công. Không ít người không hút thuốc nhưng vẫn bị mắc bệnh do hít phải khói thuốc từ người thân trong gia đình. Như trường hợp của chị H’Ya Êban (thôn 4, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) tuy không hút thuốc lá nhưng vẫn mắc viêm phổi nghi lao, thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và ho ra máu. Chị H’Ya Êban đã được điều trị và xuất viện nhưng vẫn có lịch hẹn tái khám, theo dõi bệnh nhằm dự phòng nguy cơ mắc các bệnh về phổi liên quan đến khói thuốc. Chị H’Ya cho biết chồng chị hút thuốc lá rất nhiều, mặc dù chị đã khuyên bảo nhưng chồng chị vẫn không bỏ được, hai mẹ con chị H’Ya là đối tượng thường xuyên hít phải khói thuốc lá.

Mặc dù Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã chính thức có hiệu lực từ tháng 5-2013 song việc hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng như: trong rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, trường học, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác vẫn xảy ra phổ biến. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm túc và có chế tài đủ mạnh để thực hiện các quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của khói thuốc, nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá, thuyết phục người hút thuốc lá tự giác thực hiện không hút thuốc trong nhà hoặc những nơi công cộng, tiến tới bỏ thuốc lá hoàn toàn...    

Hương Xuân - Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.