Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn nỗ lực phòng chống sốt rét

09:27, 14/05/2016

Buôn Đôn là địa phương có bệnh sốt rét lưu hành cao do nguy cơ giao lưu từ biên giới và phần lớn người dân sinh sống bằng nghề đi rừng, ngủ rẫy không có thói quen ngủ màn. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, trường hợp mắc sốt rét do ký sinh trùng tại huyện Buôn Đôn đã giảm đáng kể do nhận thức và hành vi của người dân về phòng chống sốt rét đã thay đổi rõ rệt.

Mỗi năm hai đợt vào tháng 4 và tháng 8, gia đình bà H’Bour La Ka ở buôn Trí A, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) cũng như nhiều hộ dân trong xã đều được cán bộ y tế đến tuyên truyền vận động tẩm màn và  phun hóa chất tại nhà để phòng chống sốt rét. Ban đầu, bà H’Bour và những người trong gia đình chưa hiểu được lợi ích của việc phun thuốc hay tẩm màn nên không mấy quan tâm, không hưởng ứng khi cán bộ y tế đến phun thuốc, cũng không mang màn đến các điểm tẩm hóa chất, vẫn duy trì thói quen ngủ không dùng màn… Chỉ khi trong buôn có người bị sốt rét do ngủ không nằm màn thì cả nhà bà H’Bour mới thật sự lo lắng, từ đó gia đình bà tuân thủ cách phòng chống sốt rét như cán bộ y tế tuyên truyền.

Cán bộ y tế lấy mẫu muỗi phân tích tại hộ gia đình
Cán bộ y tế lấy mẫu muỗi phân tích tại hộ gia đình

Tại xã Krông Na, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống bằng nghề đi rừng, làm rẫy. Nhiều hộ dân chỉ chuyên tâm làm việc mà quên việc phòng bệnh, nhất là khi đi rẫy dài ngày. Vì vậy, Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt; triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng chống sốt rét cho người dân như: tẩm màn, phun hóa chất…; tranh thủ sự tài trợ từ các dự án để tổ chức cấp phát màn đôi, màn đơn, màn võng cho người dân.  Tính riêng trong năm 2015, đã có hơn 16,7 nghìn chiếc màn các loại đã được cấp phát miễn phí cho các đối tượng như: hộ nghèo, người đi rừng, ngủ rẫy… thuộc 7 xã/thị trấn trên địa bàn huyện Buôn Đôn; việc vận động tẩm màn đạt trên 92% và phun hóa chất đạt trên 98% so với kế hoạch.

Cán bộ y tế phun hóa chất diệt muỗi tại nhà dân ở xã Krông Na.
Cán bộ y tế phun hóa chất diệt muỗi tại nhà dân ở xã Krông Na.

Bên cạnh đó, cùng với việc đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng được chú trọng như: thăm hộ gia đình, thảo luận nhóm, chiếu phim, văn nghệ, triển lãm… Người dân đã hiểu được sốt rét là một bệnh lây truyền nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời và nguyên nhân gây bệnh là do một loài ký sinh trùng sống trong máu người gây nên hoặc do muỗi Anophen hút máu của người bệnh truyền sang người lành; từ đó, đồng bào đều ngủ màn kể cả ban ngày, khi đi rừng, ngủ rẫy; tích cực hưởng ứng các chiến dịch phun, tẩm hóa chất; thường xuyên phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh nước đọng, các dụng cụ, phế thải ứ đọng nước… ở xung quanh nhà; mặc quần áo dài tay khi làm việc ngoài trời hoặc dùng nhang xua diệt muỗi để phòng tránh muỗi đốt; giữ vệ sinh trong nhà luôn gọn gàng, sạch sẽ để muỗi không có nơi trú ẩn. Năm 2015, toàn huyện có 121 ca mắc sốt rét, giảm 101 ca so với năm 2014;  trong đó, bệnh nhân sốt rét ký sinh trùng là 93 người,  giảm 87 ca. Riêng 3 tháng đầu năm 2016, huyện Buôn Đôn chỉ có 11 người mắc sốt rét, giảm 30 bệnh nhân so với cùng kỳ năm trước. Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Quang Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn cho biết: “Tuy số ca mắc sốt rét trên địa bàn huyện Buôn Đôn trong những năm gần đây đã giảm đáng kể nhưng không thể chủ quan, đặc biệt là tại các xã có nguy cơ sốt rét lưu hành cao như Krông Na… Do vậy, hằng năm, ngoài các hoạt động tẩm màn, phun hóa chất, thường xuyên giao ban định kỳ quân dân y, y tế thôn buôn về công tác phòng chống sốt rét, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng nhằm giúp người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh”.      

Hương Xuân - Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.