Multimedia Đọc Báo in

Làm gì để nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở? (Kỳ I)

09:09, 09/05/2016

Y tế cơ sở bao gồm tuyến huyện, xã, là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an sinh xã hội. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao đang đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa chất lượng y tế cơ sở...

Kỳ I: Nỗ lực đầu tư phát triển hệ thống y tế cơ sở

Xem y tế cơ sở là “xương sống” của hệ thống y tế, trong những năm qua, ngành Y tế đã nỗ lực đầu tư phát triển y tế cơ sở cả về nhân lực, cơ sở vật chất và ứng dụng các kỹ thuật mới trong điều trị. Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân...

Từng bước đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực

Nằm bên Quốc lộ 27, Trạm y tế (TYT) xã Yang Reh (huyện Krông Bông) khá khang trang, thoáng mát, sạch sẽ. Trước đây, khi mới được tách ra từ xã Ea Trul, TYT Yang Reh phải mượn tạm hội trường thôn 1 của xã; đến năm 2006, trạm được xây dựng mới với 9 phòng chức năng (phòng trực, phòng khám y học cổ truyền, phòng cấp thuốc-vật tư y tế, phòng giao ban, hành chính, phòng khám bệnh, phòng khám phụ khoa, phòng đỡ đẻ và phòng lưu bệnh nhân), cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại trạm. Bên cạnh đó, nhân lực của trạm cũng được bổ sung dần và hiện tương đối đầy đủ với 8 y bác sĩ, nhân viên y tế; trong đó có 2 bác sĩ. Thời gian gần đây, trạm đã được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh như: máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm...  Nhờ vậy, trạm đã có thể đảm đương việc khám và điều trị một số loại bệnh trước đây thường phải chuyển lên tuyến trên do không thực hiện được các kỹ thuật cận lâm sàng.

Khám bệnh cho trẻ em  tại Bệnh viện Đa khoa  huyện Krông Bông.
Khám bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông.

Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông, 14 TYT xã trên địa bàn huyện đã được đầu tư tương đối đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực, bảo đảm công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Cả 14 TYT đều đã có bác sĩ, nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi; 12/14 trạm có máy siêu âm, một số trạm có thêm máy xét nghiệm sinh hóa, nước tiểu, huyết học; 100% TYT đã thực hiện khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Hằng năm, cán bộ y tế đều được tạo điều kiện đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ như: tham dự các lớp tập huấn về phác đồ điều trị các loại bệnh, đi đào tạo ở tuyến trên theo Đề án 1816...

Không chỉ riêng huyện Krông Bông, trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư từng bước về cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực và hiện nay đã cơ bản bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại tuyến cơ sở. Theo thống kê đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 14 bệnh viện tuyến huyện, thị xã, thành phố với tổng số 1.880 giường bệnh; 1 bệnh viện đa khoa khu vực với 200 giường bệnh và 185 TYT xã, phường, thị trấn với 925 giường bệnh. Cơ sở vật chất của các TYT từng bước được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp theo đúng mô hình của Bộ Y tế. Hiện nay, 100% TYT đều có bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; có điện thoại, Internet và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh; được trang bị giường bệnh, tủ thuốc, các dụng cụ y tế cơ bản; triển khai siêu âm và điện tim; gần 40% TYT đã triển khai cụm xét nghiệm (huyết học, sinh hóa và nước tiểu). Mạng lưới y tế thôn, buôn cũng phát triển với đội ngũ cô đỡ thôn, buôn và cộng tác viên y tế...

Tăng cường ứng dụng các kỹ thuật mới

Trong những năm qua, song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế, việc triển khai ứng dụng các kỹ thuật mới trong điều trị đã được nhiều bệnh viện tuyến huyện chú trọng.

Người dân đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã Yang Reh (huyện Krông Bông).
Người dân đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã Yang Reh (huyện Krông Bông).

Đơn cử như, Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc mới đây đã triển khai đo điện não, mổ nội soi tổng quát (trước đây chỉ mổ nội soi ruột thừa thì nay đã ứng dụng mổ nội soi trong triệt sản, sỏi...) góp phần điều trị người bệnh hiệu quả hơn. Hay Bệnh viện Đa khoa TX. Buôn Hồ đã chú trọng ứng dụng kỹ thuật mới, khó vào chẩn đoán, điều trị cho người bệnh ở nhiều lĩnh vực: ngoại, sản, mắt, tai mũi họng, xét nghiệm…; đặc biệt, những kỹ thuật mới trong  lĩnh vực ngoại chấn thương chỉnh hình như: thực hiện đóng đinh xương đùi, kết hợp xương chày bằng đinh Kuntscher, đóng đinh xương cẳng chân, nối động mạch thần kinh… đã đưa lĩnh vực này trở thành một trong những thế mạnh của bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông cũng đã triển khai kỹ thuật nội soi tai mũi họng, đường tiêu hóa; thực hiện được một số phẫu thuật loại 2 và trên loại 2 (mổ xương). Còn ở Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng, các kỹ thuật như: Phẫu thuật đóng đinh nội tủy xương đùi, mổ nẹp vít xương đùi, mổ cắt tử cung toàn phần và các kỹ thuật nội soi khác… đã được triển khai thực hiện từ vài năm nay.

Tính đến năm 2015, tất cả bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật cơ bản và nâng cao như siêu âm, điện tim, hệ thống xét nghiệm bán tự động và tự động, phẫu thuật nội soi và mổ cấp cứu. Tỷ lệ trung bình các bệnh viện tuyến huyện thực hiện kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế đạt trên 65%, góp phần giảm tỷ lệ chuyển viện, rút ngắn thời gian điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, giảm tốn kém cho người dân.

Có thể nói, mạng lưới y tế cơ sở được triển khai rộng khắp, được đầu tư từng bước đầy đủ đã góp phần đáng kể trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến tất cả người dân, kể cả các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hệ thống y tế cơ sở hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khiến chất lượng dịch vụ hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân trên địa bàn...

(Còn nữa)

Kim Hồng


Ý kiến bạn đọc