Khó khăn trong công tác tiêm chủng ở các thôn người Mông
Các thôn 14, 15, 16 và cụm dân cư số 8, 9, 10 của xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào. Đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức chưa đầy đủ nên hầu hết các hộ dân chưa chú trọng đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cũng như đưa trẻ đi tiêm chủng. Vì vậy, nhiều năm qua, các thôn nói trên là một trong những điểm nóng tiêm chủng của huyện Ea Súp.
Năm 2014, chỉ có 55/79 trẻ em trong độ tuổi tại các thôn, cụm dân cư nói trên được tiêm chủng đầy đủ, chiếm tỷ lệ 69,6%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra. Trước thực trạng đó, tháng 7-2015, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp đã thành lập điểm tiêm chủng ngoài trạm đặt tại thôn 15 để phục vụ riêng cho người dân các làng Mông nói trên. Tuy vậy đến nay, giải pháp này vẫn chưa phát huy tác dụng. Năm 2015, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ chỉ đạt 43,2%.
Một buổi tiêm chủng định kỳ hằng tháng tại xã Cư Kbang. Ảnh: Bảo Châu |
Thực tế cho thấy, rất nhiều người dân ở các thôn nói trên chưa hiểu được tầm quan trọng của việc tiêm chủng cũng như những triệu chứng sau tiêm nên hầu như không quan tâm đến việc này. Như vợ chồng anh Vương Văn Thắng và chị Đào Thị Minh (thôn 16, xã Cư Kbang), dù có đứa con trai gần 1 tuổi song anh chị không quan tâm đến việc tiêm chủng định kỳ hằng tháng. Anh Thắng cho biết, vợ chồng anh đưa con đi tiêm chủng lần đầu tiên lúc bé được 2 tháng tuổi nhưng sau khi tiêm cháu bị sốt nên anh không cho con mình đi tiêm nữa. Mặc dù đã được cán bộ y tế tư vấn cặn kẽ về những triệu chứng sau tiêm cũng như tầm quan trọng của việc đưa con đi tiêm chủng song anh Thắng vẫn không thay đổi quan điểm. Tương tự, cũng vì sợ các cháu sốt sau khi tiêm mà cả gia đình ông Tráng Seo Phừ (thôn 16) không ai quan tâm đến việc tiêm chủng cho con cháu trong nhà.
Chị Lý Thị Bay, một cộng tác viên y tế của xã Cư Kbang cho biết việc vận động người dân đưa con em mình đi tiêm chủng gặp rất nhiều khó khăn. Chị Bay cho hay: “Rất nhiều người không hiểu được tiêm phòng để làm gì. Đến nhà vận động thì họ nói rằng có bệnh thì đi bệnh viện chữa chứ không cần tiêm chủng. Do không hiểu nên những triệu chứng thường xảy ra sau tiêm (sốt) càng khiến bà con e ngại”. Theo bác sĩ Kiều Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ea Súp, việc thành lập điểm tiêm chủng ngoài trạm tại thôn 15 nhằm mục đích đưa dịch vụ y tế đến gần dân hơn, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại, song sau gần một năm hoạt động, công tác này vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn do nhận thức của người dân chưa được cải thiện. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động tiêm chủng, trong thời gian tới, ngành Y tế huyện Ea Súp sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức của người dân về lợi ích của việc tiêm chủng; phối hợp với những người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng.
Thu Huế
Ý kiến bạn đọc