Nỗ lực phòng chống HIV/AIDS trong điều kiện kinh phí bị cắt giảm
Từ cuối năm 2014, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS không còn triển khai tại Đắk Lắk; tiếp đó, đến cuối năm 2015, Dự án LIFE - GAP (Dự án dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS) cũng kết thúc tài trợ.
Dự án tài trợ kết thúc đồng nghĩa với việc không còn kinh phí để triển khai các hoạt động, bước đầu Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS gặp rất nhiều khó khăn: đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng giải thể, cán bộ chuyên trách các tuyến không còn tích cực tham gia các hoạt động bởi không còn phụ cấp, số lượt khách hàng được giới thiệu đến Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT) chỉ bằng 1/5 so với trước đây. Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo cán bộ chuyên trách liên lạc với những nhân viên tiếp cận cộng đồng trước đây cung cấp tờ rơi, tài liệu truyền thông, đồng thời động viên họ dành thời gian tiếp cận, vận động các đối tượng nguy cơ đến phòng VCT để tư vấn xét nghiệm; phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh xây dựng các chuyên mục, đặt các pa-nô về phòng, chống HIV/AIDS tại một số địa điểm thích hợp trên địa bàn để mọi người dân, trong đó có người thân của các đối tượng tìm hiểu và động viên họ đến các dịch vụ của Trung tâm. Do chỉ còn nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu y tế quốc gia nên Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã hướng dẫn cán bộ chuyên trách tuyến huyện lồng ghép hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS vào hoat động của các chương trình y tế khác để triển khai. Nhờ những nỗ lực như vậy, công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS những tháng đầu năm 2016 vẫn đạt được một số kết quả khả quan. Tính đến ngày 15-5, toàn tỉnh đã tổ chức được 2.977 lượt truyền thông cho 902.322 lượt người nghe; vận động 397 lượt người đến tư vấn xét nghiệm tại phòng VCT, qua đó phát hiện 16 trường hợp dương tính với HIV, tất cả các trường hợp dương tính này đều được chuyển đến các phòng khám ngoại trú trên địa bàn.
Tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. |
Đắk Lắk hiện có 3 phòng khám ngoại trú (OPC) điều trị bệnh nhân HIV/AIDS đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Các bệnh nhân mới phát hiện nhiễm HIV đều được chuyển tiếp đến điều trị tại các phòng khám ngoại trú này theo nguyện vọng của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân tùy vào điều kiện, phương tiện và khoảng cách địa lý cùng các yếu tố tâm lý khác. Tính đến ngày 15-5, số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh được phát hiện là 2.112 người, trong đó có 1.692 người còn sống; 963 người chuyển sang AIDS; 475 bệnh nhân đang điều trị tại 3 phòng khám ngoại trú nói trên, đạt 28,7% số người nhiễm HIV còn sống. Từ tháng 6-2016 trở đi nguồn thuốc điều trị ARV sẽ do Cục Phòng, chống HIV/AIDS cung cấp. Như vậy, dù kinh phí bị cắt giảm nhưng cho đến nay thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS vẫn đủ cấp, riêng nguồn thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân chỉ đáp ứng một phần cho các bệnh nhân phát hiện sớm (thuốc tồn của dự án), đối với bệnh nhân phát hiện muộn phải tự túc mua theo chỉ định. Ngoài ra, các hoạt động như tập huấn phác đồ điều trị cho tuyến dưới, tham dự các lớp tập huấn cập nhật kiến thức mới trong điều trị HIV ở tuyến trên… đều gặp khó khăn do không có kinh phí thực hiện.
Từ đầu năm 2017 các nguồn kinh phí cho điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sẽ bị cắt giảm hoàn toàn và thuốc điều trị ARV được đưa vào danh mục thuốc Bảo hiểm y tế (BHYT), do vậy, nếu người nhiễm HIV không có thẻ BHYT có thể sẽ không tiếp tục được điều trị bằng thuốc ARV. Khi bệnh nhân không được duy trì điều trị ARV sẽ chuyển sang AIDS và tử vong hoặc bị kháng thuốc và phải chuyển sang các phác đồ điều trị đắt tiền hơn gấp nhiều lần. Trên thực tế, số bệnh nhân HIV có thẻ BHYT hiện ở mức rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 30%. Một phần vì tâm lý mặc cảm, lo sợ bị kỳ thị, một phần vì đang được cấp thuốc miễn phí nên nhiều người chưa cảm thấy thực sự cần thiết tham gia BHYT. Đây thực sự là một vấn đề nan giải đối với công tác điều trị cho người nhiễm HIV, đòi hỏi các cấp ngành trong toàn xã hội cùng tham gia giải quyết để giúp người nhiễm HIV có cơ hội điều trị, hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã vận động người bệnh tham gia BHYT đồng thời tham mưu Sở Y tế trình các cấp sớm phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để có kinh phí thực hiện việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân trong điều kiện kinh phí bị cắt giảm.
Nguyễn Công Thành
Ý kiến bạn đọc