Multimedia Đọc Báo in

Tiêm vắc xin phòng bệnh: Biện pháp dự phòng an toàn và hiệu quả cho sức khỏe của trẻ em

08:02, 05/06/2016

Tiêm vắc xin phòng bệnh có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ. Trong những năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã góp phần thanh toán và loại trừ nhiều dịch bệnh nguy hiểm, góp phần giảm chi phí điều trị y tế, thời gian chăm sóc, giảm nguy cơ tàn phế ở trẻ em… Nhờ tiêm vắc xin, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã giảm đáng kể.

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 180 điểm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng (gồm: trạm y tế các xã, phường, thị trấn; các bệnh viện tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh và điểm tiêm dịch vụ tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố). Tại các điểm tiêm chủng, công tác bảo quản vắc xin và thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn đã được thực hiện đúng quy định. Việc giám sát và kiểm soát chặt chẽ phản ứng sau tiêm chủng được thực hiện tốt nên không có trường hợp nào tử vong do tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.

Tiêm vắc  xin phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Ảnh: Kim Oanh
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Ảnh: Kim Oanh

Công tác truyền thông về TCMR được đẩy mạnh nhằm giúp cộng đồng hiểu được sự an toàn và lợi ích của TCMR. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã thấy rõ lợi ích to lớn của việc tiêm chủng và tích cực đưa trẻ đi tiêm phòng. Chị Nguyễn Thị Kim Liên (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như được cán bộ y tế tuyên truyền, tôi đã biết được lợi ích của việc tiêm chủng là giúp phòng được nhiều bệnh cho trẻ. Chi phí cho việc đưa trẻ đi tiêm vắc xin rẻ hơn rất nhiều so với chi phí để điều trị các bệnh truyền nhiễm, chưa kể tới việc phải nghỉ học, nghỉ làm và thêm nhiều người chăm sóc, thậm chí thiệt hại do tử vong không thể tính được bằng tiền. Hiện nay có 8 loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình TCMR quốc gia là: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não, viêm gan siêu vi B, bại liệt, sởi được tiêm miễn phí đã giúp những gia đình như chúng tôi có điều kiện phòng bệnh. Hai cháu nhỏ nhà tôi đều được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch nên các cháu đều phát triển khỏe mạnh”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, trong đó nhận thức của một số người dân chưa đầy đủ dẫn đến hiệu quả tiêm chủng chưa cao. Vẫn có một số ông bố, bà mẹ hoặc ông bà kiên quyết không cho con đi tiêm vì sợ con quấy khóc, sợ con đau, sốt, sợ biến chứng hoặc chờ tiêm vắc xin dịch vụ cho tốt hơn, viện cớ không có thời gian, vì nhà xa, vì đưa con đi rẫy… khiến nhiều trẻ bị tiêm thiếu liều hoặc tiêm không đúng lịch, bỏ qua thời gian vàng tiêm chủng vắcxin phòng bệnh, hậu quả để trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà đáng lẽ đã được phòng bệnh. Trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận một số trường hợp bệnh nhi mắc sởi, ho gà, trong đó phần lớn là trẻ chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm vắc xin đầy đủ, không tiêm đúng lịch.

Vì vậy, để chương trình TCMR phát huy hiệu quả hơn nữa, cần tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu được sự cần thiết của tiêm vắc xin phòng bệnh; đặc biệt, các cơ sở y tế cần giải thích rõ về những phản ứng có thể gặp sau tiêm để giúp người dân an tâm hơn khi cho con tiêm vắc xin.                              

Sau gần 30 năm triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và khống chế bệnh sởi thành công và được thế giới đánh giá là điểm sáng về tiêm chủng mở rộng. Theo thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 43.000 trẻ em Việt Nam đã được cứu sống nhờ vắc xin tiêm chủng mở rộng từ khi chương trình ra đời, và khoảng 1,2 - 1,3 triệu trẻ được tiêm chủng miễn phí hằng năm, nhiều loại bệnh nguy hiểm đã được loại trừ, giảm hẳn như bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi, viêm gan…       

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.