Multimedia Đọc Báo in

Bệnh loãng xương và biện pháp phòng ngừa

07:14, 29/10/2016

Loãng xương là căn bệnh khá phổ biến ở người cao tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao và những biến chứng gặp phải khá nặng nề, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân loãng xương bị gãy xương khá tốn kém về thời gian và tiền bạc.

Loãng xương được định nghĩa là tình trạng bệnh lý của hệ thống xương đặc trưng bởi sự giảm khối lượng xương kèm tổn hại đến vi cấu trúc của tổ chức xương làm giảm độ chắc của xương gây nguy cơ gãy xương. Như vậy, khi một người bị loãng xương thì cả “chất” và “lượng” của hệ thống xương đều bị suy giảm.

Nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương

Loãng xương nguyên phát có thể do sự lão hóa của tạo cốt bào là tế bào tạo xương từ đó gây nên thiểu sản xương. Loãng xương thứ phát là loãng xương tìm thấy nguyên nhân do các bệnh lý như cường cận giáp, cường tuyến giáp, hội chứng Cushing; viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, các dị dạng cột sống; ung thư xương, đa u tuỷ xương; các bệnh lý dạ dày ruột gây rối loạn hấp thu...; hoặc do sử dụng một số thuốc như corticoid, heparin, phenyltoin… kéo dài; giảm nội tiết tố sinh dục do cắt buồng trứng hoặc do dùng thuốc ức chế..

Một số bệnh lý bẩm sinh cũng gây nên tình trạng loãng xương như bệnh xương thủy tinh (Brittle bone disease). Ngoài ra, phải kể đến những yếu tố nguy cơ loãng xương như tuổi cao, giới tính nữ, chủng tộc, di truyền, tiền sử gia đình có bố mẹ bị gãy xương do loãng xương, thể chất thấp bé nhẹ cân, lối sống ít vận động, hút thuốc lá nhiều, uống rượu nhiều, dinh dưỡng kém, ăn thiếu chất calci, vitamin D, C..

Bệnh loãng xương thường biểu hiện kín đáo, tiến triển thầm lặng không có triệu chứng. Một số trường hợp sau khi có biểu hiện gãy xương tự nhiên hoặc sau chấn thương nhẹ mới phát hiện ra. Gãy xương ở xương ngoại vi thường gặp ở tay, chân, nhất là gãy đầu dưới xương quay ở cổ tay hoặc gãy cổ xương đùi. Ở cột sống, gãy xương biểu hiện bởi lún xẹp đốt sống có thể dẫn đến đau cột sống cấp tính, khởi phát đột ngột, kèm hay không kèm triệu chứng chèn ép thần kinh liên sườn hay thần kinh tọa. Đau cột sống do loãng xương thường có tính chất cơ học rõ: giảm rõ khi nằm và giảm dần rồi biến mất trong vài tuần. Đau xuất hiện khi có một đốt sống mới bị xẹp, hoặc đốt sống ban đầu bị xẹp nặng thêm

Trường hợp đau cột sống mạn tính, bệnh nhân đau âm ỉ liên tục, có những lúc đau trội giống đợt cấp. Khám có thể phát hiện giảm chiều cao, gù cột sống, co cơ cạnh cột sống, hạn chế động tác cúi ngửa, ấn đau chói tại chỗ xẹp. Khi chụp Xquang có thể thấy mất chất khoáng ở xương biểu hiện bởi hình ảnh tăng thấu quang, kèm hoặc không kèm gãy xương. Trên phim Xquang chụp cột sống còn thấy các biến dạng lún xẹp đốt sống, đốt sống hình thấu kính, hình chêm gây gù cột sống.

Hiện nay điều trị bệnh loãng xương nguyên phát đã đạt được nhiều tiến bộ, đặc biệt ngày càng có nhiều thuốc điều trị có hiệu quả tốt. Việc bổ sung calci từ 1-1,5g phối hợp vitamin D3 800UI hoặc calcitriol là dạng hoạt tính sinh học của vitamin D3 với liều 0,25-0,5 µg một ngày là rất cần thiết, cần được coi là thuốc phối hợp đầu tay trong điều trị bệnh loãng xương. Các thuốc nhóm bisphosphonat như risedronat, alendronat… dùng hằng ngày hoặc tuần một lần có tác dụng tốt…

Phòng ngừa loãng xương

Phòng loãng xương rất quan trọng vì chi phí thấp hơn rất nhiều so với điều trị bệnh loãng xương cũng như các biến chứng của bệnh. Việc dự phòng loãng xương cần được đặt ra ở tất cả các lứa tuổi, bao gồm tăng cường dinh dưỡng, bảo đảm đủ chất calci, vitamin D và các yếu tố vi lượng. Rèn luyện thể lực thường xuyên đều đặn sẽ giúp xương chắc khỏe, làm tăng mật độ xương và làm giảm sự mất xương. Cần bỏ các thói quen xấu có thể làm tăng nguy cơ gãy xương như hút thuốc lá, uống rượu (nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ sử dụng các chất này nhiều làm tăng nguy cơ gãy cổ xương đùi).

Dự phòng loãng xương cần được chú ý đặc biệt ở những bệnh nhân bị bệnh khớp mạn tính, bệnh bộ máy vận động gây cản trở các hoạt động, sinh hoạt bình thường hoặc các bệnh có sử dụng các thuốc glucocorticoid kéo dài như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, hen phế quản… Ở phụ nữ mãn kinh do có nguy cơ mất xương cao, ngoài bổ sung calci, vitamin D thì cần lưu ý đến liệu pháp thay thế hormon dự phòng bằng các hormon sinh dục nữ tổng hợp như estroprogestatif, tibolon nếu không có chống chỉ định. Đồng thời chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục phù hợp để tăng sự dẻo dai của cơ thể. 

                   Trần  Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.