Việt Nam đã phát hiện muỗi mang vi rút Zika
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy có 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với Zika đã xuất hiện tại Việt Nam.
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, từ các năm 2013-2014, Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam” đã thực hiện thả muỗi thí điểm ở đảo Trí Nguyên (TP. Nha Trang) với mục tiêu dài hạn là phát triển ứng dụng muỗi vằn mang vi khuẩn tự nhiên Wolbachia nhằm hạn chế lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue trong cộng đồng. Dự án đã thu thập và lưu trữ 23.682 mẫu muỗi vằn (cái) tự nhiên ở TP. Nha Trang trong thời gian từ tháng 3-2015 đến tháng 5-2016.
Từ 2014 đến nay, trên đảo Trí Nguyên không xảy ra dịch sốt xuất huyết Dengue trong khi ở TP. Nha Trang (đất liền) và toàn tỉnh Khánh Hoà nói chung đã xảy ra dịch sốt xuất huyết Dengue lớn vào các tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016.
Tại Việt Nam, khi bắt đầu ghi nhận ca nhiễm Zika trên người từ tháng 4-2016, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tiến hành xét nghiệm các cá thể muỗi vằn tự nhiên này để xác định khả năng muỗi có nhiễm vi rút Zika, Dengue hoặc Chikungunya.
Cán bộ Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Đắk Lắk hướng dẫn người dân các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết, Zika |
Kết quả nghiên cứu cho thấy có 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với Zika (0,24%), 29 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với vi rút Dengue (0,12%) và không có cá thể nào dương tính với vi rút Chikungunya. Như vậy vi rút Zika đã có mặt (với tỷ lệ rất thấp) trong quần thể muỗi vằn tự nhiên ở Nha Trang.
Theo Bộ Y tế, việc phát hiện các trường hợp nhiễm Zika trên người ở một số địa phương trong thời gian gần đây cho thấy vi rút Zika hiện đã lưu hành trong muỗi vằn tự nhiên. Do vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát muỗi và phòng, tránh muỗi đốt đã được Bộ Y tế khuyến cáo để phòng bệnh và Zika.
Phương pháp sử dụng muỗi vằn Aedes aegypti mang Wolbachia đã được chứng minh có khả năng ức chế sự phát triển của cả hai 2 loại vi rút Dengue và Zika trong cơ thể muỗi. Qua hơn 10 năm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên thực địa, phương pháp này được khẳng định là an toàn cho con người, động vật và môi trường. Vào tháng 3-2016, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến nghị rằng Wolbachia là một trong những phương pháp tiềm năng để đáp ứng khẩn cấp cho công tác kiểm soát trung gian truyền bệnh và chuẩn bị sẵn sàng cho việc phòng, chống vi rút Zika.
Kim Oanh (nguồn SK&ĐS)
Ý kiến bạn đọc