Multimedia Đọc Báo in

Hiểu đúng về bệnh tay -chân -miệng để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả

15:35, 17/12/2016

Bệnh tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng vào lúc thời tiết chuyển mùa, khí hậu lạnh thì vi rút gây bệnh phát triển mạnh hơn.

Ở thể nhẹ, bệnh tay-chân-miệng dễ dàng được điều trị khỏi và không để lại di chứng; song nếu trẻ bị nặng, có biến chứng thì nguy cơ tử vong là rất cao.

Bệnh tay-chân-miệng do một loại vi rút đường ruột có tên Enterovirus gây ra. Trong đó, tuýp Enterovirus 71 (EV 71) có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não. Bệnh thường xuất hiện trong mùa đông - xuân và có sức lây lan mạnh, do đó trẻ sinh hoạt trong môi trường đông người như nhà trẻ, mẫu giáo thường dễ mắc bệnh hơn.

Mặc dù bệnh tay-chân-miệng có nguy cơ xảy ra biến chứng dẫn đến tử vong nhưng tỷ lệ biến chứng rất ít. Điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần hiểu đúng về căn bệnh này để thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho trẻ để phòng chống bệnh tay chân miệng.  Ảnh: H.Thi
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho trẻ để phòng chống bệnh tay chân miệng. Ảnh: H.Thi

Triệu chứng

Khi mắc bệnh tay-chân-miệng, trẻ thường có biểu hiện sốt, đau họng, biếng ăn, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, chân, trong miệng. Nếu bệnh nặng sẽ có các biểu hiện như sốt cao liên tục, quấy khóc, li bì, thỉnh thoảng giật mình.

Đường lây truyền

Bệnh tay-chân-miệng lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ miệng, họng, mũi, mụn nước hoặc phân của người bệnh. Tiếp xúc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng của người bệnh hoặc ăn, uống phải thực phẩm nhiễm vi rút.

Điều trị

Ở thể nhẹ, bệnh nhân có thể được điều trị tại nhà bằng cách dùng thuốc paracetamol để hạ sốt. Bù nước bằng dung dịch oresol, nước ép trái cây. Ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Nếu trẻ đã lớn cần được cách ly bằng cách cho trẻ nghỉ học. Chú ý các biểu hiện nặng để đưa trẻ tới các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.

Phòng bệnh

Bệnh tay-chân-miệng hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên vi rút gây bệnh rất dễ bị tiêu diệt bằng các loại dung dịch sát khuẩn. Do đó, biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe trẻ là phòng bệnh theo khẩu hiệu 3 sạch là “ăn sạch, ở sạch, vui chơi sạch”. Các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho mình và cho trẻ, nhất là khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh; lau chùi nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hoặc nước có pha hóa chất cloramin B; không cho trẻ phóng uế bừa bãi; phân của trẻ phải được xử lý đúng cách, tránh vương vãi ra môi trường.

Thu Huế - Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.